Mục tiêu cụ thể của Đề án là: Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,5-6%/năm; Doanh thu trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 180-190 triệu đồng/ha/năm; Chuyển mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp: trồng trọt 70-75%, chăn nuôi 20-25%, dịch vụ 4-5%; Tăng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%; Có ít nhất 50% diện tích đất sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và bền vững; Tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi trung bình từ 3-5%/năm, giảm tổn thất sau thu hoạch các loại nông sản xuống dưới 10%; Tăng độ che phủ của rừng đạt 55% trở lên.

Để góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, hoạt động khuyến nông cần tập trung đổi mới cả về phương thức và nội dung. Cụ thể:

1. Đổi mới cách tiếp cận khuyến nông

- Nội dung khuyến nông phải xuất phát từ nhu cầu của nông dân, của sản xuất, xem “nông dân là khách hàng”, không áp đặt, gò ép.

- Thắp sáng hơn đổ đầy: Lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất hiệu quả nhất, nổi bật, có sức thuyết phục cao và có khả năng lan tỏa (thắp sáng) để chuyển giao hơn là đề xuất tăng đầu tư (đổ đầy) sẽ khó khả thi.

- Chất lượng hàng đầu: xu hướng xã hội hóa khuyến nông, nông dân lựa chọn tổ chức khuyến nông nào có chất lượng dịch vụ tốt nhất.

2. Đổi mới về phương pháp hoạt động khuyến nông

- Nguyên tắc chung của đổi mới phương pháp khuyến nông là thực hiện “3 giảm 3 tăng”: Giảm hành chính hóa (thủ tục, họp hành, giấy tờ); Giảm hình thức (không đem lại lợi ích thực chất cho nông dân), lãng phí (thời gian, nhân lực, kinh phí); Giảm phân tán, cát cứ (đầu tư dàn trải, không phối hợp, lồng ghép các nội dung, nguồn lực sẵn có, không hợp tác chia sẻ với nhau); Tăng tính chuyên nghiệp hóa (kiến thức, phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc); Tăng áp dụng công nghệ thông tin; Tăng khả năng tư vấn, dịch vụ (theo yêu cầu của nông dân).

- Đổi mới tư duy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông: Cán bộ khuyến nông thực hiện “3 cần 3 không”: Thạo nghề, thông chính sách; Nhiệt tình, gần dân; Khiêm tốn, cầu thị; Không thụ động, ỷ lại; Không quan liêu, sách nhiễu dân; Không bảo thủ, trì trệ.

3. Đổi mới nội dung hoạt động khuyến nông

Hoạt động khuyến nông nhằm vào 3 nội dung cốt lõi để tăng trưởng giá trị và tăng thu nhập, đó là: thúc đẩy sản xuất tăng trưởng; liên kết, hợp tác sản xuất; gắn tiêu thụ sản phẩm.

Về thông tin, tuyên truyền, tập trung vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác khuyến nông (internet, phát thanh, truyền hình, điện thoại…). Tăng cường phổ biến tiến bộ kỹ thuật mới, thông tin thị trường nông nghiệp, xúc tiến thương mại, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các yêu cầu về hội nhập kinh tế, chính sách khuyến khích liên kết theo chuỗi, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), mô hình cánh đồng lớn…; thông tin về thời tiết, lịch nông vụ, sâu bệnh, giảm thiểu khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giúp nông dân, doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng khuyến nông tỉnh, cấp huyện và khuyến nông cơ sở. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; kiến thức thị trường và maketing sản phẩm nông nghiệp; lập kế hoạch tổ chức quản lý sản xuất trang trại, hợp tác xã, trong đó tập trung cho các đối tượng cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh (các vùng chuyên canh: rau, hoa, chè, cà phê, bò sữa, bò thịt…).

Áp dụng phương pháp tập huấn có sự tham gia, FFS, khuyến nông nhóm để nông dân tự tác động lẫn nhau, cán bộ khuyến nông giữ vai trò thúc đẩy và định hướng hoạt động cho các nhóm nông dân theo các tiêu chuẩn sản xuất GAP và cộng đồng quốc tế, đào tạo, tập huấn nông dân theo chu kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi. Đổi mới tài liệu và phương thức tổ chức đào tạo (tăng thời lượng thực hành, thảo luận 2 chiều).

Gắn kết chặt chẽ với các Viện Khoa học, Trường Đại học, Trung tâm Nghiên cứu… để tiếp nhận nguồn tiến bộ kỹ thuật mới nhằm chuyển giao kịp thời cho sản xuất tại địa phương.

Về xây dựng và triển khai có hiệu quả các dự án, mô hình khuyến nông, cần tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược, chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và có công nghệ tiên tiến, có thị trường tốt để tạo ra sự chuyển biến, bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; đồng thời phải gắn với cơ giới hóa sản xuất đồng bộ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao như: rau, hoa, cây dược liệu và đặc sản cà phê, chè, bò sữa, cá nước lạnh…

Tập trung các mô hình khuyến nông sản xuất theo quy trình GAP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Mở rộng mô hình khuyến nông viên gắn với vườn mẫu, đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư PPP (Public Private Partnership), khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trong các hoạt động đầu vào và đầu ra của sản phẩm nhằm huy động các nguồn lực phục vụ Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới.

Về tư vấn, dịch vụ khuyến nông, mở rộng nội dung và nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ khuyến nông đáp ứng nhu cầu của nông dân, thông qua các hình thức phù hợp tư vấn miễn phí như: tư vấn trên truyền hình, qua Internet, điện thoại, các câu lạc bộ, đội tư vấn di động,....

Mở rộng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ khuyến nông (đầu vào, đầu ra, tư vấn có thu phí) để nâng cao năng lực thực tiễn của cán bộ khuyến nông và bổ sung nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông.

Để tồn tại và phát triển khuyến nông Nhà nước cần: Đổi mới từ tư duy đến hành động nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả để phục vụ đắc lực cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới của tỉnh nhà.

Bồng Sơn 

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng