Giai đoạn 2015 - 2021 tỉnh đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được 59.484 ha cà phê

 

Kết quả giai đoạn 2015 - 2021 đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được 59.484 ha (trồng tái canh 29.851 ha, ghép cải tạo 29.633 ha). Riêng năm 2021, thực hiện tái canh, ghép cải tạo 6.425,9 ha, trong đó, trồng tái canh cà phê vối 2.900,1 ha, tái canh cà phê chè 50 ha và ghép cải tạo cà phê vối 3.475,8 ha.

Qua thời gian thực hiện, chương trình tái canh, ghép cải tạo giống đã có tác động lớn đến sản xuất, giúp trẻ hóa vườn cây cà phê, giảm diện tích sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Phần lớn các diện tích cà phê sau tái canh cải tạo cho năng suất cao, ổn định trên 4,0 tấn/ha. Nhiều mô hình có năng suất 7 - 8 tấn/ha, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 32,5 tạ/ha năm 2021; sản lượng 365.923 tấn năm 2012 lên 527.911 tấn năm 2021. Riêng huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha chuyên canh cà phê cho năng suất từ 4 tấn trở lên. Các giống cà phê vối sử dụng để tái canh, ghép cải tạo cho kích thước hạt (nhân) lớn và đồng đều hơn so với các giống cũ. Một số giống có chất lượng nước uống thơm ngon như Xanh lùn, Lá xoài… từ đó làm tăng giá trị cà phê nhân và chất lượng cà phê pha chế.

Theo thống kê từ các địa phương trong tỉnh, diện tích cà phê cần tái canh, ghép cải tạo giống trong thời gian tới (giai đoạn 2022 - 2025) là 29.365 ha, trong đó: tái canh cà phê vối 11.645 ha; ghép cải tạo cà phê vối 17.185 ha và tái canh cà phê chè 535 ha. Riêng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo giống cà phê năm 2022 là 6.710 ha, trong đó: tái canh cà phê vối 2.780 ha; ghép cải tạo cà phê vối 3.800 ha và tái canh cà phê chè 130 ha. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất giống cà phê như: công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống cà phê của các cơ sở gieo ươm giống trên địa bàn tỉnh; ưu tiên, hỗ trợ cho các cơ sở, vườn ươm giống cà phê chất lượng cao (Bourbon, Typica, Pacamara, THA1…) tại Đà Lạt và Lạc Dương để duy trì nguồn giống và phát triển các nhãn hiệu đã được chứng nhận gắn với công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; du nhập giống ở các vùng khác trong nước hoặc nhập nội khảo nghiệm chọn lọc giống có khả năng kháng sâu bệnh hại và thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, bổ sung, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác cà phê đã ban hành, các quy trình kỹ thuật còn thiếu, cần xây dựng mới để áp dụng chung trên địa bàn toàn tỉnh, chuyển giao cho người dân, chú trọng việc đánh giá và áp dụng kỹ thuật trồng cây trồng xen, che bóng (bơ, mắc ca, sầu riêng, tiêu,…).

Ngoài việc hỗ trợ kinh phí mua cây giống, tỉnh Lâm Đồng triển khai hoạt động lồng ghép với các chương trình, dự án để tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện các mô hình tái canh, ghép cải tạo cà phê để người dân tham quan, học hỏi và nhân rộng trong thời gian tới./.

Văn Thọ

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng