Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung, chúng tôi đến thăm Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi tằm đóng tại thôn 4. Nói chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Kim - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi tằm xã Tà Nung cho biết, Tổ hội được thành lập từ tháng 4 năm 2017 với 18 tổ viên tham gia, canh tác trên diện tích đất trồng dâu gần 4,5ha. Các thành viên trong tổ áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào nuôi tằm với phương pháp “né gỗ và máy gỡ kén” đã giảm được công lao động và tăng thu nhập.

Sau khi nuôi tằm con trên nong theo cách thông thường, đến giai đoạn tằm chín, thay vì bắt lên né tre thì tằm được lên né gỗ. Ông Kim chia sẻ: “Sau khi rải tằm lên né, nhiều con tằm vẫn tập trung vào một vị trí. Do đó, nếu chỗ nào nhiều tằm tập trung thì né sẽ xoay xuống dưới. Theo phản xạ tự nhiên, con tằm nào chưa tìm được chỗ để kết kén sẽ bò lên chỗ cao hơn để làm tổ. Nhờ đó người nuôi đỡ mất công bắt tằm kết kén đôi”. Điều đặc biệt là mỗi né đều được phân ô rõ ràng, nên mỗi con tằm chỉ ở trong ô riêng. Hơn nữa, mỗi ô được thiết kế vừa với kích thước của kén tằm nên lượng phân và nước tiểu đều được thải khỏi né. Chính vì vậy, chất lượng kén tằm cao hơn hẳn, tằm “lên tơ” đều và trắng. 

Khi thu hoạch kén, người nuôi tằm chỉ việc bỏ né gỗ vào máy dập kén. Máy gồm một cần dập, bộ phận truyền động và một mặt phẳng gồm nhiều ô gỗ nhô lên tương ứng và vừa khít với các ô trên né. Mỗi lần dập, kén trên né sẽ được gỡ ra. Theo những người nuôi tằm, để gỡ kén trên 50 né tre phải mất 2 công lao động làm việc trong nửa ngày. Còn khi sử dụng máy gỡ kén, chỉ cần một lao động làm việc trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Công lao động giảm nhiều, chất lượng kén lại cao, nên giá bán chênh lệch cao hơn so với kén trên né tre. Do đó, lợi nhuận của người nuôi tăng cao hơn nhiều.

Trung bình với 01 sào dâu giống siêu cành, người nuôi tằm có thể nuôi được 1,2 hộp tằm/lứa. Cùng với cách thức nuôi tằm ở trên, mỗi lứa có thể thu được 60-62 kg kén, với giá kén trung bình 150.000 đồng/kg (có khi đạt 200.000 đồng/kg), sau khi trừ mọi chi phí giống, thuốc, phân bón và công lao động… người nuôi tằm có thể thu được 7 - 8 triệu đồng/lứa. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, giống dâu siêu cành cho năng suất, chất lượng, cùng với đó là cách thức nuôi mới giảm được công lao động, ước tính mỗi năm, người dân có thể nuôi được 08 lứa, mang lại doanh thu 55 - 65 triệu đồng/năm.

Hiệu quả kinh tế của cây dâu, con tằm được khẳng định, việc thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi tằm đã giúp người nuôi tằm xã Tà Nung chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết những người có tâm huyết để duy trì, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Đặc biệt giúp cho các tổ viên thiếu vốn sản xuất được vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Lâm Đồng với lãi suất thấp. Tháng 7 năm 2017, Tổ hội được tiếp cận nguồn vốn này từ Hội Nông dân xã, hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng cho 05 suất, với lãi suất 0,7%/tháng.

Ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung cho biết, so với những hộ trồng cà phê trong cùng thời điểm, 3 năm vừa qua, 01 ha trồng dâu nuôi tằm giống mới mỗi năm cho bà con trồng dâu nuôi tằm thu lợi nhuận cao hơn gấp 02 lần so với cà phê.

Cũng theo ông Hùng thì trồng dâu, nuôi tằm tập trung đã và đang trở thành một trong 3 cây mũi nhọn của địa phương (cà phê, hoa và dâu tằm). Thời gian qua, nhờ giá kén ổn định nên đời sống bà con thay đổi rõ nét, từ hộ nghèo thành hộ khá, từ hộ khá thành hộ giàu. Việc trồng dâu nuôi tằm bên cạnh cây cà phê đã giải quyết số lao động nông nhàn của xã. Từ 4,5 ha dâu ban đầu, đến nay diện tích này đang tăng lên gần 07 ha dâu với thêm 06 hộ mong muốn được tham gia vào tổ.

Với sự năng động sáng tạo trong đầu tư sản xuất, hiện nay nhiều nông hộ trên địa bàn xã Tà Nung đã chuyển đổi dần từ những vườn cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm, mô hình này đã góp phần giúp nông dân làm giàu chính đáng, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 Văn Thọ 

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng