Thực trạng kinh tế tập thể nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 2 Liên hiệp Hợp tác xã với 13 hợp tác xã thành viên, gồm: Liên hiệp Hợp tác xã số 1 Lâm Đồng (có 9 thành viên) hoạt động theo mô hình làm đại diện cho các Hợp tác xã thành viên để ký hợp đồng làm đại lý cấp 1 cung cấp phân bón cho các đơn vị Hợp tác xã thành viên, hoạt động đã mang lại hiệu quả cao cho các thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã và thành viên của từng Hợp tác xã; Liên hiệp Hợp tác xã rau, hoa Hưng Phát Đà Lạt (có 4 Hợp tác xã thành viên) hoạt động theo mô hình dịch vụ nông nghiệp, giới thiệu thị trường tiêu thụ cho các Hợp tác xã thành viên và trực tiếp đưa sản phẩm của các thành viên tới tận khách hàng trong và ngoài tỉnh, đem lại hiệu quả cao cho Liên hiệp Hợp tác xã và các Hợp tác xã thành viên.

Tính đến hết quý I năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh có 99 Hợp tác xã, trong đó có 52 Hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp, 39 Hợp tác xã trồng trọt, 7 Hợp tác xã chăn nuôi, 01 Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản với tổng vốn điều lệ là 181.116 triệu đồng. Tổng số thành viên Hợp tác xã là 5.846 thành viên, canh tác trên diện tích 7.341,777 ha với phần lớn diện tích thuộc quyền sử dụng của các thành viên. Số lao động trong Hợp tác xã là 7.000 người, bộ máy quản lý của các Hợp tác xã có 495 cán bộ. Hoạt động của Hợp tác xã chủ yếu trên các lĩnh vực: cung ứng vật tư đầu vào, hoạt động đầu ra và tín dụng nội bộ. Hợp tác xã đăng ký theo luật Hợp tác xã năm 2012 là 83 Hợp tác xã, đạt tỷ lệ 84% (38 Hợp tác xã thành lập mới và 45 Hợp tác xã chuyển đổi); chỉ còn 16 Hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa chuyển đổi, chiếm tỷ lệ 16% (các Hợp tác xã này đều ngưng hoạt động chờ giải thể).

Toàn tỉnh có 189 Tổ hợp tác với 3.610 tổ viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Các Tổ hợp tác hoạt động theo phương thức cùng nhau tham gia sản xuất một chủng loại sản phẩm, cùng tìm doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, hỗ trợ giúp nhau vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, các Hợp tác xã hoạt động ổn định. Những năm qua đã kịp thời chuyển đổi mô hình sang hoạt động theo Luật mới và các địa phương cũng đã thành lập mới các Hợp tác xã nhằm đáp ứng nguyện vọng của người nông dân muốn tham gia vào Hợp tác xã. Bên cạnh đó, nhiều Hợp tác xã trước đây hoạt động yếu kém hoặc ngưng hoạt động cũng được các địa phương kiên quyết giải thể. Hoạt động của các Hợp tác xã hiện có đã đi vào thực chất, hoạt động có hiệu quả, nhiều mô hình liên kết giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp, giữa Hợp tác xã và nông dân được hình thành, duy trì và phát triển; Hợp tác xã, Tổ hợp tác đã và đang từng bước tự khẳng định là tổ chức đại diện cho người nông dân, là tiền đề cho việc nhân rộng phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

Định hướng phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp trong thời gian tới

Tập trung củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các Hợp tác xã, Tổ hợp tác hiện có, tạo điều kiện xây dựng các Hợp tác xã, Tổ hợp tác mới với nhiều hình thức đa dạng, hoạt động có hiệu quả, bền vững… ưu tiên trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới.

Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phù hợp với đặc điểm của địa phương và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, khu vực kinh tế tập thể là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở nên vững chắc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nhanh chóng đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém, phát triển nhanh và bền vững; Tiếp tục thực hiện việc đổi mới Hợp tác xã trên các mặt: sở hữu, quản lý, phân phối và hoạt động kinh doanh phù hợp trên nguyên tắc Hợp tác xã kiểu mới…

Nguyễn Minh Thành

Chi cục Phát triển Nông thôn Lâm Đồng