Tại Lâm Đồng, cây mắc ca được trồng đầu tiên vào năm 2003, tuy nhiên mãi đến năm 2009, cây mắc ca mới được bà con nông dân quan tâm phát triển, nhất là những năm gần đây khi tỉnh có chủ trương khuyến khích phát triển loại cây này. Hiện nay, diện tích trồng mắc ca của tỉnh đạt khoảng 3.600ha, chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê.

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc đưa giống cây này về trồng tại địa phương trên các mô hình thử nghiệm. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã đầu tư hỗ trợ cho 125 hộ hưởng lợi với tổng diện tích 153ha tại các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh và thành phố Bảo Lộc. Những vườn mắc ca trồng từ năm 2012-2014 đều đã cho thu hoạch quả. Sau 3-4 năm trồng, cây mắc ca bắt đầu cho quả bói. Đến nay có những cây đạt năng suất 30 kg hạt/cây, đây là cơ sở khoa học để đánh giá sự phù hợp của cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Về giống mắc ca thì hiện nay có các dòng 246, 741, 816, 842, 695, OC, 900, 849, 800, Daddow … Đây là những giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và có tiềm năng, hạt chế biến đã được thị trường chấp nhận. Ngoài ra, còn một số giống khác đã trồng tại Lâm Đồng là QN, H2, 508… nhưng những giống này cho năng suất thấp, chất lượng hạt không đạt yêu cầu, đang dần bị loại bỏ. Đối với dòng mắc ca 695 có hạt nhỏ nhưng cây mọc khỏe nên thường được chọn làm gốc ghép; dòng 900 hạt to nhưng vỏ hạt dày; dòng OC năng suất rất cao nhưng không tự rụng quả mà phải hái.

Lâm Đồng có khoảng 158 ngàn ha cà phê, trong đó có khoảng trên 50% diện tích có thể trồng xen cây mắc ca. Việc trồng xen này giúp phát triển cà phê theo hướng bền vững, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro về thị trường. Dự kiến vào giai đoạn kinh doanh, 01 ha cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê có thể thu được 2 tấn hạt mắc ca trở lên, doanh thu đạt khoảng trên 180 triệu/ha/năm. Giá bán hạt mắc ca tươi từ 80-120 ngàn đồng/kg. Năng suất trung bình cây 10 năm tuổi khoảng 20 kg hạt/cây.

Hiện nay, ngoài các cơ sở cung cấp giống mắc ca chất lượng như Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc Ca ở huyện Đơn Dương; tại Lâm Đồng cũng đã có các cơ sở chế biến hạt mắc ca không những đáp ứng được thị trường trong nước mà còn “xuất ngoại” như Công ty TNHH Mắc ca Việt ở Hòa Trung - Di Linh, Công ty cổ phần TBK Green Food và Công ty TNHH Nông sản Huy Hiếu ở Tân Hà - Lâm Hà, Công ty cổ phần Việt Xanh Maca ở thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng và một số HTX, cơ sở chế biến nhỏ khác. Nhà máy chế biến mắc ca của Công ty cổ phần Việt Xanh Maca tính đến tháng 3/2019, đã thu mua trên dưới 50 tấn mắc ca tươi trái vụ của nông dân vùng Tây Nguyên, trong đó chiếm 40% sản lượng của nông dân các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng. Ước tính trong cả mùa vụ nghịch thu hoạch mắc ca năm 2019, Công ty thu mua khoảng 150 tấn hạt mắc ca tươi của nông dân. Và dự báo trong năm 2019, Công ty thu mua chế biến tổng cộng khoảng hơn 350 tấn mắc ca tươi, tăng 100 tấn tươi so với năm 2018. Với dây chuyền thiết bị máy móc chế biến mắc ca hiện đại, Công ty mới chỉ đạt công suất 70% vào thời điểm thu mua chính vụ và 30% vào thời điểm thu mua nghịch vụ. Do vậy, để tăng công suất chế biến hơn nữa, đáp ứng từng bước nhu cầu đặt hàng xuất ngoại sang các nước Hàn Quốc, Singapore... ổn định lâu dài, Công ty cổ phần Việt Xanh Maca thường xuyên kết nối nông dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất hạt mắc ca giống ghép trồng thuần kết hợp với trồng xen canh các loại cây công nghiệp khác.

Với những hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường mang lại, để góp phần phát triển vùng nguyên liệu mắc ca Lâm Đồng đạt 3.500 - 4.000 ha vào năm 2020 và 12.000 - 15.000 ha vào năm 2030, cần chú trọng xây dựng thương hiệu mắc ca Lâm Đồng, trước mắt cần quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hạt chế biến trên thị trường Lâm Đồng. Có chính sách thu hút các nhà đầu tư để trồng, xây dựng nhà máy chế biến (dầu, sữa hạt, bánh…), nâng cao giá trị nhân mắc ca. Tập trung đầu tư duy trì, phát triển những diện tích mắc ca có năng suất, chất lượng, chú trọng về chất lượng, không phát triển về số lượng. Nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo giống đối với diện tích mắc ca được trồng từ cây giống thực sinh cho năng suất thấp, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng mắc ca; Tuyển chọn những giống mắc ca ghép có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Lâm Đồng. Đặc biệt chú ý bình tuyển những cây đầu dòng mới từ những vườn cây thực sinh đang trồng- đây là việc cần làm ngay vì có vườn mắc ca trồng từ năm 2006, đủ tiêu chuẩn để làm giống. Bên cạnh đó, cần thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây mắc ca, sản xuất mắc ca theo chuỗi... làm đầu mối cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu và từng bước nâng cao giá trị và thương hiệu mắc ca Lâm Đồng trong thời gian tới.

Trần Văn Tuận

TTKN Lâm Đồng