Tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 60.200 ha được ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đó là điều kiện thuận lợi để nông dân tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất mới nhằm giảm chi phí đầu tư mà năng suất và chất lượng nông sản vẫn đảm bảo. Hiệu quả được thể hiện rõ nét trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi hiện có.

Anh Phạm Duy Mạnh ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương chuyên canh các loại rau, củ, quả ngắn ngày từ nhiều năm nay. Để thực hiện chế độ luân canh cây trồng khác họ trên cùng một diện tích canh tác; đồng thời, giảm áp lực về đầu ra nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước, bên cạnh 4 sào nhà lưới trồng cà chua, anh Phạm Duy Mạnh đã chuyển sang trồng gần 1 ha đậu phộng (lạc). Đây loại cây trồng ngắn ngày có mức đầu tư tương đối thấp so với các loại rau, củ, quả nhưng hiệu quả kinh tế mang lại tương đối khả quan. Cây đậu phộng còn có chức năng cải tạo đất, chống xói mòn đất,… rất phù hợp để bà con nông dân luân canh với nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác để ổn định thu nhập. Cụ thể, với 1 sào đất (1000 m2) trồng từ 34.000 - 36.000 cây đậu phộng, sau khoảng 100 ngày đầu tư, chăm sóc, cây đậu phộng bước vào giai đoạn thu hoạch, năng suất dao động từ 1 đến 1,2 tấn/sào. Giá bán bình quân 10.000 - 12.000 đồng/kg cho thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/sào. Còn với cây cà chua, nhờ được đầu tư theo hướng công nghệ cao nên chất lượng cà chua luôn ổn định, năng suất dao động từ 2,5 - 3 kg/cây. Ngoài ra, anh Mạnh còn sử dụng hệ thống tưới hiện đại có tích hợp chức năng bón phân nên có thể giảm từ 80 đến 90% công tưới nước, bón phân, chăm sóc…

Anh Mạnh chăm sóc vườn cà chua của gia đình

 

Ở những khu vực chuyên canh cây cà phê, do giá cà phê vối nhân xô những năm gần đây tương đối thấp, dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg nên bên cạnh việc đầu tư theo hướng hữu cơ để canh tác bền vững, nhiều nông hộ trong tỉnh đã ưu tiên xen canh các loại cây trồng khác, trong đó có cây mắc ca. Thời gian gần đây, loại cây trồng được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại hạt” có giá dao động từ 60.000 - 90.000 đồng/kg đã giúp nhiều nhà vườn có thêm thu nhập. Bà con nông dân cũng nhận thấy lợi ích của việc liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất như được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… nên tự nguyện tham gia, từ đó giúp hợp tác xã, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định với chất lượng đảm bảo. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp chủ động triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường ở từng thời điểm. Cùng với những nỗ lực của bà con nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tham gia các liên kết để đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng nhiều mô hình để bà con nông dân học tập nhân rộng mô hình ra diện rộng.

Còn tại Bảo Lộc, một trong những địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển những mô hình nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, bà con chủ yếu nuôi các đối tượng truyền thống như cá rô phi, cá trắm cỏ, cá chép... nên hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất trong năm 2020 cho 02 hộ nuôi với diện tích 2.000 m2. Sau thời gian nuôi sau 10 tháng, tỷ lệ sống của mô hình đạt 85%, trọng lượng bình quân của cá đạt 1,5 kg/con, tổng lợi nhuận đạt được của 2 mô hình là 308 triệu đồng. Kết quả của mô hình giúp bà con mạnh dạn chuyển đổi nhằm thu được hiệu quả cao hơn trên cùng đơn vị diện tích.

Mô hình nuôi cá leo do TTKN tỉnh thực hiện giúp bà con có thêm một đối tượng nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn

 

Có thể nói, bà con nông dân trong tỉnh đã chủ động thay đổi tư duy đầu tư trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý… Nhờ đó, nhiều nông hộ trong tỉnh đã hạn chế đáng kể những tác động bất lợi mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là với những hộ nông dân chuyên canh các loại nông sản ngắn ngày có tham gia chuỗi liên kết sản xuất, đầu ra tiếp tục ổn định, giá cả phù hợp.

 Bùi Hằng

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng