Đến nay các địa phương trong tỉnh đã thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, xây dựng kế hoạch, phương án triển khai và nhân rộng các mô hình liên kết trong các vụ tiếp theo.    

Thực tế vụ mùa 2017 sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất thường và biến động của thị trường, nhưng sản xuất nông nghiệp tỉnh Lào Cai vẫn đạt được những kết quả quan trọng, dự kiến năng suất và sản lượng đều đạt, vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo cấy lúa vụ mùa thực hiện được 21.355 ha, ước năng suất trung bình đạt 47,51 tạ/ha, sản lượng đạt 101.457 tấn. Diện tích thực hiện cánh đồng một giống đạt 4.798 ha, trong đó diện tích cánh đồng một giống áp dụng toàn phần hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) đạt 3.189 ha, diện tích áp dụng từng phần SRI đạt 1.212 ha, diện tích chưa áp dụng kỹ thuật thâm canh cải tiến (SRI) 397 ha. Ước năng suất bình quân cánh đồng 1 giống đạt 65-68 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 20-28 tạ/ha. Toàn tỉnh gieo trồng 10.259 ha ngô, dự kiến năng suất bình quân đạt trên 38 tạ/ha. Diện tích gieo trồng đậu tương đạt 3.975 ha.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đạt 7.870 ha cây trồng các loại. Trong đó diện tích rau 5.507 ha, ngô 1.487 ha, khoai lang 590,5 ha, khoai tây 185,5 ha, dược liệu 89 ha, hoa 11 ha. Hiện đã có 3 huyện là Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa ký kết với doanh nghiệp trên diện tích hơn 200 ha cây trồng.

Để đảm bảo diện tích gieo trồng cây vụ đông, chủ lực là rau màu, ngô, khoai lang, khoai tây, ngô, dược liệu... có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao  gắn kết trong chuỗi sản xuất hướng tới một nền nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ mùa 2017, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân và phòng chống rét cho gia súc 2017 - 2018, ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Thể, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất với nông dân trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ. Chủ tịch xã Kim Sơn (Bảo Yên) đã chia sẻ mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng ngô ngọt, theo đó xã có thể sản xuất 3 vụ/năm và dự báo mô hình sẽ đạt 200 triệu/ha, góp phần thúc đẩy, tạo động lực lớn cho nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Đạo diện xã Xuân Thượng (Bảo Yên) cũng cho biết xã đã thực hiện thành công mô hình trồng gừng liên kết với Công ty Mai Anh với quy mô 8ha trên đất xen canh lúa và được các hộ dân hưởng ứng tham gia. Đại biểu huyện Mường Khương cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại vị trí đắc địa để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm. Công ty An Việt chia sẻ khả năng cung cấp cho nông dân giống khoai có thể đạt 40 tạ/ha, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm.

Mô hình trồng ngô ngọt tại xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng trong sản xuất vụ đông. Đó là chưa có nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân, liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, chưa đem lại lòng tin giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ; Sản phẩm sản xuất ra không đồng đều về chất lượng, số lượng hạn chế, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường nên giá bán thấp, chưa khuyến khích được người dân sản xuất; Chưa dự tính, dự báo và nắm bắt được chính xác nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của thị trường nông sản.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho nông dân, nhưng nông dân cũng phải cam kết sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và nhấn mạnh để sản xuất vụ đông thắng lợi, cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, địa phương, sự quan tâm, vào cuộc của các ban ngành đoàn thể và sự đồng thuận của người dân. Chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất phù hợp, bám sát vào chủ trương định hướng của đề án, dự án đã phê duyệt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Tích cực lựa chọn và mời gọi các công ty, doanh nghiệp có năng lực gắn bó với nông nghiệp để cung ứng giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo chất lượng; tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách chặt chẽ và bền vững; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Cũng tại Hội nghị các đơn vị đã tiến hành kí kết các hợp đồng liên kết đầu tư tiêu thụ sản phẩm.

Ký hợp hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm

Thanh Hương

Trung tâm Khuyến nông Lào Cai