Tốt nghiệp trung học phổ thông, không chút do dự, anh lựa chọn theo học ngành Nông nghiệp, ra trường đúng vào thời điểm tỉnh Lào Cai kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở, theo đó hệ thống khuyến nông toàn tỉnh được tăng cường thêm lực lượng khuyến nông viên xã và cộng tác viên khuyến nông. Cơ duyên với nghề đến, anh được tuyển dụng làm khuyến nông viên xã Sơn Hải kể từ năm 2010. Sẵn có niềm say mê đối với nông nghiệp, đây thực sự là cơ hội để anh thực hiện ước mơ cũng như phát huy những tố chất tích cực trong con người của mình.

Trải qua 17 năm làm việc tại cơ sở trong vai trò cán bộ khuyến nông, chuyện vui có mà chuyện buồn cũng có, thành công có và thất bại cũng không thể tránh khỏi. Anh Duy chia sẻ: “Lúc mới đi làm tôi cũng hăng hái lắm, rất chịu khó nghiên cứu tài liệu kết hợp với kiến thức được học trong trường và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước nên cũng có được những thành công bước đầu. Tuy nhiên công việc của khuyến nông viên xã thực sự không hề dễ vì bản thân chỉ được đào tạo một chuyên môn nhưng lại phải triển khai công việc liên quan đến tất cả các lĩnh vực chuyên môn thuộc ngành nên không khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công việc thuộc lĩnh vực chuyên môn khác. Do tính chất công việc ở địa phương cơ sở như vậy nên lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh hết sức quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc, bổ sung các kiến thức chuyên môn khác ngành được đào tạo cho đội ngũ khuyến nông viên xã, nên chúng tôi mới có đủ tự tin để tham mưu cho chính quyền xã trong phát triển sản xuất nông nghiệp và hướng dẫn bà con nông dân thực hành sản xuất”.

Nói về những kỷ niệm trong công tác, anh cười nói: “Khi mới đi làm em cũng tự cảm thấy oai một chút, vì từ nay bà con trong xã sẽ nhìn mình với cái nhìn dành cho người cán bộ nên đôi khi hơi tự tin thái quá. Có những lần đi thôn bản tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vấp phải những câu hỏi hóc búa từ những bác nông dân dày dạn kinh nghiệm, bị bất ngờ không trả lời được, vậy là tự nhiên mặt cứ đỏ rừ lên, xấu hổ quá chẳng biết chui vào đâu được, đành phải khất để về nghiên cứu tài liệu và tham khảo các cô, chú có nhiều kinh nghiệm công tác và hôm sau vào tận nhà bác đó để trả lời câu hỏi. Đúng là một bài học nhớ đời các anh, chị ạ!”. Nói rồi anh cười rất tươi, gương mặt lại ửng đỏ lên như câu chuyện vừa mới xảy ra hôm qua vậy.

Anh Duy kiểm tra sâu bệnh hại lúa

Trong suốt quãng thời gian làm khuyến nông viên xã, với tinh thần, thái độ hết lòng phục vụ nhân dân, trách nhiệm, sáng tạo và nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ anh đã chiếm được sự tin yêu của bà con nông dân trong xã, lập được nhiều thành tích xuất sắc được lãnh đạo các cấp ghi nhận, được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Đến tháng 5 năm 2018 anh được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội nông dân xã. Tuy vừa mới chuyển sang vị trí công tác mới, những vẫn con người năng nổ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm ấy, anh đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo xã những bước đột phá để thay đổi cách làm cũ hiệu quả không cao. Cụ thể, trong triển khai thu hoạch vụ lúa xuân năm 2018, sau khi tìm hiểu và khảo sát thực tế, được sự đồng ý của lãnh đạo xã, anh hợp đồng thuê gặt lúa cho toàn xã bằng máy gặt liên hợp hiện đại, có hiệu suất làm việc cao, giá thuê rẻ. Qua tìm hiểu anh biết đây là dây truyền máy gặt liên hợp rất hiện đại được sản xuất tại Nhật Bản có năng suất gặt thực tế tại đồng ruộng như ở xã Sơn Hải vào khoảng 1 ha/1 giờ gặt (không tính thời gian di chuyển máy). Máy có thể gặt trên những chân ruộng hẹp ở địa hình khó khăn, tỷ lệ hạt thóc rơi rụng thấp do máy gặt xong tuốt và đóng bao ngay, chi phí thuê gặt là 170.000 đồng/sào Bắc bộ (khoảng 4 triệu đồng/ha). So với cách làm cũ thuê người gặt và thuê máy tuốt thì phải chi phí khoảng 500.000 đồng (cao hơn gấp gần 3 lần), tỷ lệ hạt thóc thất thoát do rơi rụng cao hơn. Và đúng theo tính toán, chỉ trong thời gian chưa đến 10 ngày, toàn bộ 62,3 ha lúa trên địa bàn xã đã được gặt xong trả đất lại cho người nông dân khẩn trương sản xuất vụ tiếp theo để rộng thời gian sản xuất vụ Đông.

Với cách làm này, anh Duy được bà con nông dân trong xã hết sức ủng hộ, vì anh đã giúp họ giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất  năng suất trong thu hoạch và tiết kiệm được thời gian để tăng vụ, chỉ nhìn trong ánh mắt, nụ cười của những người nông dân trên cánh đồng đang mùa gặt có thể khẳng định chắc chắn điều đó và họ sẽ còn nhớ đến anh rất lâu về sau này. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Lào Cai cùng các địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, rất cần có nhiều những cán bộ cơ sở có cách nghĩ, cách làm sáng tạo, chịu khó tìm tòi, học hỏi, không ngại đấu tranh làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân để đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào thực tế sản xuất ở địa phương cơ sở như anh Duy.

Ngô Thế Hải