Và càng ấn tượng hơn nữa khi nếm thử và cảm nhận vị ngọt đậm, hương thơm hấp dẫn và độ giòn tan của thịt quả hồng mà không ở đâu có cái hương vị thơm ngon đặc biệt như vậy.

Giống hồng này đã được bà con nông dân 02 xã ven sồng Hồng là xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên và xã Tân An, huyện Văn Bàn đưa về trồng từ rất lâu đời. Giống hồng ngon lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng vùng đất này nên cây hồng sinh trưởng rất tốt, cho năng suất, chất lượng quả cao, vì vậy mà nhanh chóng được nhân rộng ra trên địa bàn 02 xã. Tuy nhiên, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, thị trường kém phát triển, người dân còn thiếu kiến thức về thu hái, bảo quản và chế biến sau thu hoạch nên quả hồng nhanh bị thối, hỏng, chỉ được bán tươi ở phạm vi trong tỉnh và bán cho hành khách đi tàu nên hiệu quả kinh tế thấp. Có những thời điểm người dân đã phải chặt bỏ cây hồng quý để trồng các loại cây trồng khác theo nhu cầu của thị trường để cải thiện thu nhập.

Trong những năm gần đây, khi tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai hoàn thành và đưa vào khai thác tạo thuận lợi cho vận chuyển, giao thương, mặt khác, 02 xã Bảo Hà, Tân An có chuỗi di tích đền Ông Hoàng Bảy và đền Cô Tân An hàng năm thu hút một lượng lớn du khách trên cả nước đến vãn cảnh, cúng lễ nên tiếng tăm của quả hồng Bảo Hà cũng nhờ đó mà bay xa, được nhiều người tiêu dùng trong ngoài nước biết đến và ưa chuộng, tin dùng. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để cây hồng phát triển thành một mặt hàng nông sản chất lượng cao, đem lại thu nhập bền vững cho người nông dân, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Để phát triển giống hồng giòn Bảo Hà, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao cho Ngành Nông nghiệp phối hợp với UBND 02 huyện Bảo Yên và Văn bàn xây dựng dự án, đề xuất cơ chế, chính sách và hỗ trợ nông dân 02 xã phát triển vùng trồng hồng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu.

Ngày 10/4/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có làm việc với UBND huyện Bảo Yên và Văn Bàn. Lãnh đạo UBND các xã ven sông Hồng của 02 huyện cũng được mời dự. Theo thông tin từ các xã, hiện tại cây hồng đang được người dân rất quan tâm, không chỉ riêng 02 xã Bảo Hà và Tân An mà người dân tất cả các xã ven sông Hồng đều mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để phát triển cây hồng.

Đại diện Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất - Hợp tác xã chuyên canh cây hồng trên địa bàn xã Bảo Hà cho biết: Cây hồng rất dễ trồng, ít sâu bệnh, cây trồng sau 5 năm cho thu hoạch, càng lớn thì năng suất càng cao, chất lượng quả càng ngon. Hiện tại ở xã Bảo Hà có một số cây có tuổi thọ trên 60 năm, riêng năm 2017 có cây cho thu hoạch gần 4 tạ quả, cho thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Điều đáng lưu ý nhất là khi thu hoạch phải hết sức cẩn thận để quả hồng không bị dập, có vết thương cơ giới vì như vậy quả hồng sẽ rất nhanh bị thối, hỏng; nước dùng ngâm hồng phải là nước giếng có hàm lượng đá vôi thấp thì chất lượng quả hồng mới thơm, ngon, bảo quản được lâu hơn. 

Các đại biểu tham quan vườn trồng hồng

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo:

- Quy hoạch vùng trồng hồng với quy mô 500 ha trên địa bàn 5 xã Bảo Hà, Cam Cọn, Kim Sơn của huyện Bảo Yên và xã Tân An, Tân Thượng của huyện Văn Bàn. Trong năm 2018 sẽ trồng mới 100 ha, năm 2019 sẽ trồng thêm 100 ha và năm 2020 sẽ trồng đủ 500 ha để đến năm 2023 sẽ có lứa thu hoạch đầu tiên. Đối với 02 xã Cam Cọn và Kim Sơn là vùng trồng mới hoàn toàn, năm 2018 trồng thử nghiệm mỗi xã 5.000 m2, đến năm 2020 cây hồng sẽ bói quả, nếu chất lượng ngon sẽ phát triển mở rộng vùng trồng để tránh việc đầu tư ồ ạt nhưng không đạt hiệu quả mong muốn.

- Thống nhất lấy tên gọi chung cho quả hồng là “Hồng giòn Bảo Hà” để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu.

- Về quy trình sản xuất, trước hết phải canh tác theo quy trình sản xuất an toàn và tiến tới sản xuất hữu cơ. Trong các năm tiếp theo sẽ tính toán hỗ trợ các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến và đóng gói theo tiêu chuẩn hàng hóa.

- Về chính sách hỗ trợ, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư với mức 10 triệu đồng/ha trồng mới gồm các hạng mục: hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại... Đối tượng được hỗ trợ đối với hộ tối thiểu có diện tích đất trồng hồng từ 2.000 m2 trở lên, nhóm hộ phải có 1 ha trồng hồng trở lên để thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, tránh đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp...

- Chọn các hộ có điều kiện phù hợp tham gia dự án và cam kết thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lý và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, kiên quyết loại bỏ các hộ đăng ký tham gia nhằm mục đích nhận hỗ trợ, không tuân thủ quy trình kỹ thuật.

Với quan điểm chỉ đạo như trên, hy vọng trong những năm tới đây Lào Cai sẽ có thêm một sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng, người tiêu dùng có thêm 01 sản phẩm an toàn chất lượng cao để lựa chọn, sử dụng và đặc biệt người nông dân có thêm một nghề sản xuất mang lại thu nhập cao, ổn định, bền vững.

Ngô Hải