Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh được đẩy mạnh, phát triển theo hướng hàng hóa, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Các hình thức liên kết trong sản xuất từng bước được hình thành.

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 28 công ty, doanh nghiệp và 17 HTX tham gia liên kết sản xuất như: liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng; liên kết tiêu thụ dược liệu; liên kết tiêu thụ rau, hoa; lúa gạo, ngô, sắn, đao riềng, ớt; chuối, dứa và liên kết trong chăn nuôi... Trong đó có 06 HTX tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích liên kết là 419 ha, sản lượng liên kết tiêu thụ là 3.015 tấn; Có 20 doanh nghiệp liên kết với các hộ dân, gồm 14 doanh nghiệp liên kết sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, 03 doanh nghiệp liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi, 03 doanh nghiệp liên kết sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Có thể điểm lại một số chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nổi bật của tỉnh Lào Cai là:

(1) Chuỗi lúa gạo: Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã thực hiện thực hiện thành công dự án “Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa gắn với chế biến và thị trường” trong 6 năm thực hiện (2011- 2017) sản xuất lúa chất lượng gắn với thương hiệu được phát triển mở rộng, đạt trên 7.000ha. Trong đó thực hiện theo dự án của tỉnh trên 3000 ha với các giống lúa đặc sản, chất lượng cao như: ĐS1, J01, Séng cù, Khẩu nậm xít, nếp Thẩm Dương, Hương thơm, Bắc thơm. Giá trị thu nhập và hiệu quả sản xuất tăng từ từ 15-20% so với sản xuất lúa thường. Hơn 11 nghìn tấn lúa chất lượng được tiêu thụ thuận lợi đã mang lại cho nông dân hàng trăm tỷ đồng. Thành lập được 32 tổ nhóm nông dân hỗ trợ nhau sản xuất, duy trì vùng nguyên liệu; đồng thời là đầu mối quan trọng để liên kết “4 Nhà” trong phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hiệu quả bền vững. 

(2) Chuỗi gia vị: Nhận thấy lợi thế từ việc phát triển rừng và nguồn thu từ rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã tham mưu, đề xuất dự án chuỗi giá trị về lâm sản ngoài gỗ, thành lập được 51 nhóm nông dân sở thích về thảo quả và đã có trên 6.000 hộ nông dân tại 66 xã được hưởng lợi, có trên 4.000 hộ tăng thu nhập từ 15-20%, gần 3.000 ha rừng trồng cây gia vị (thảo quả, quế) được bảo vệ tốt hơn; góp phần rất tích cực trong việc thay đổi “nhận thức, cách làm” của người dân ở những vùng khó khăn trong các hoạt động sinh kế, bình đẳng giới, cải thiện, nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi, đặc biệt trên 6.000 hộ trực tiếp thực hiện phát triển sản xuất thảo quả gắn với bảo vệ tài nguyên rừng.

(3) Chuỗi quế: Tỉnh Lào Cai có khoảng 20.000 ha trồng quế, với 2.000 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Mông, có thể đạt doanh thu khoảng 110 tỷ đồng mỗi năm (ước tính khoảng 10 triệu đồng/ha/năm). Mô hình liên kết tiêu thụ ngành hàng quế khá thuận lợi. Sản phẩm quế vỏ được thu mua chủ yếu bởi các tư thương, đại lý nhỏ với diện tích  khai thác trung bình 300-350 ha/năm. Đặc biệt các sản phẩm vỏ quế đã qua sơ chế được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc. Sản phẩm tinh dầu quế được tiêu thụ phần lớn tại thị trường Trung Quốc, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha. Hiện nay tỉnh đang xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm quế sang thị trường Belarut và các nước Đông Âu. 

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất quế mang lại thu nhập cao cho người dân

(5) Một số chuỗi khác: Tỉnh Lào Cai cũng đang thành công với hàng loạt chuỗi liên kết sản xuất khác như:

Mô hình liên kết sản xuất cà rốt và ớt, quy mô 50 ha tại các xã thuộc huyện Bảo Yên với Công ty TNHH MTV XNK Trần Vinh với phương thức hỗ trợ kỹ thuật, ứng giống, vật tư, thuốc BVTV cho người dân và thu mua sản phẩm, giá dự kiến thu mua 5000 đ/kg, giá trị ước 12.500 triệu đồng (tổng thu nhập bình quân 250 triệu đồng/ha);

Mô hình liên kết sản xuất rau đậu các loại, quy mô 105,5 ha do HTX Mai Anh, HTX Gia Phú, HTX Nông nghiệp xanh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, giá trị ước đạt 5.250 triệu đồng (50 triệu đồng/ha);

Mô hình sản xuất đậu cô ve, quy mô 7,5 ha/72 hộ tại xã Quang Kim, xã Bản Qua (huyện Bát Xát) do Doanh nghiệp XNK Trường Thành và Doanh nghiệp tư nhân Vi Thị Hạnh đầu tư liên kết, năng suất ước 18 tấn/ha, sản lượng 135 tấn, giá trị ước 675 triệu đồng (100 triệu đồng/ha);

Chuỗi liên kết sản xuất củ cải ngọt, quy mô 05 ha tại xã Mường Vi (huyện Bát Xát), xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) do Công ty TNHH MTV XNK Trần Vinh liên kết sản xuất, năng suất ước 20 tấn/ha, sản lượng ước 100 tấn, giá trị ước 400 triệu đồng (80 triệu đồng/ha);

Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ ý dĩ, đương quy của Công ty Tâm phát Green liên kết với nhóm đồng sở thích trên địa bàn huyện Si Ma Cai;

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm atiso của Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa với quy mô 65 ha;

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khoảng trên 20 loài dược liệu của Công ty CP Dược Việt Nam với huyện Bắc Hà và Bát Xát.     

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết sản xuất theo chuỗi đầu ra cho nông sản tại tỉnh Lào Cai vẫn còn một số tồn tại: Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, THT, trang trại và nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nhiều hộ nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm trong liên kết sản xuất; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ và tính pháp lý không cao; doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, thường xuyên giám sát tình hình sản xuất tại các vùng liên kết. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiếu vốn; tập quán canh tác lạc hậu; tư duy kinh tế hộ; thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặt biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ, nhóm HTX cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình liên kết.

Nguyên nhân chính do công tác tuyên truyền triển khai các chính sách về liên kết sản xuất ở một số địa phương còn mang tính khẩu hiệu, hình thức và chưa thường xuyên. Mối quan hệ giữa Doanh nghiệp và các tổ chức đại diện nông dân và nông dân chưa được hài hòa giữa nhu cầu và lợi ích. Sự chia sẻ lợi nhuận chưa thực sự tương xứng với vai trò đóng góp của các bên tham gia trong chuỗi liên kết. Nông dân luôn ở thế bị động, vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra hoàn toàn bị phụ thuộc. Giá đầu vào còn cao so với mặt bằng chung của thị trường, giá thu mua đầu ra cho sản phẩm thường chưa theo giá thị trường. Một số doanh nghiệp chưa tạo được sự tin tưởng, làm chỗ dựa vững chắc đối với nông dân, tổ chức đại diện của nông dân. Một số bộ phận các hộ dân chủ yếu vì lợi ích trước mắt thường bán sản phẩm ra bên ngoài khi có thương lái mua với giá cao hơn doanh nghiệp (phá hợp đồng ký kết) dẫn đến khi thương lái không thu mua thì không bán được sản phẩm do đó liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ thường bị phá vỡ và thiếu bền vững. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác như chính sách tích tụ đất đại, hỗ trợ khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại thị trường đã triển khai thực hiện những nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế. Chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng liên kết giữa các bên tham gia.

Một số giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách về kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng Cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Huy động, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham gia quản lý, kiểm tra và giám sát thực hiện hợp đồng giữa các bên liên quan. Chuyển dần các nguồn đầu tư hỗ trợ sản xuất (các hình thức hỗ trợ truyền thống hiện nay) sang hỗ trợ sản phẩm để người nông dân không chỉ sản xuất ra nông sản mà còn trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm để phần giá trị gia tăng thuộc về phía người dân (tổ chức sản xuất theo kiểu OCOP). Đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nghề với nhu cầu lao động của các liên doanh, liên kết thông qua các mô hình sản xuất tiên tiến; nâng cao năng lực, kỹ năng cho người sản nông lâm nghiệp, kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường. Tăng cường sự tham gia của nông dân trong chuỗi giá trị sản phẩm, quan điểm và cách tiếp cận mới trong kinh tế thị trường là tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó bảo đảm sự phối hợp và chia sẻ lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ở các khâu sản suất - thu gom - chế biến - phân phối sản phẩm. Phát triển mạnh mẽ thương mại nông thôn, hình thành mạng lưới kinh doanh cá nhân, HTX thương mại, doanh nghiệp sản xuất - chế biến ở nông thôn; tổ chức mạng lưới kinh doanh theo từng ngành hàng như nông sản, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ thành lập các mô hình điểm về kinh tế hợp tác, liên kết 4 nhà để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định. Củng cố xây dựng các điểm thu gom, sơ chế và bảo quản, chế biến. Xây dựng liên kết giữa./.

Lê Thanh Hương

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai