Vụ hè thu năm 2017, trên cánh đồng của huyện miền núi Sông Hinh lúa lai TH3-3. Th3-5 xanh bạt ngàn với diện tích 111 ha. Lúa lai trồng trên cánh đồng các xã EaLy, EaLâm và trải dài đến xã Sông Hinh - xã xa nhất của huyện (giáp ranh huyện Ma Đrăk của tỉnh Đăk Lăk). Lúa lai “bén duyên” trên vùng đất này từ năm 2013, đến nay các xã có đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sông Hinh đều trồng lúa lai.

Cánh đồng lúa lai TH3-5 tại huyện miền núi Sông Hinh

Bà Hờ Thị Lung, dân tộc Ê Đê ở xã Sông Hinh chia sẻ: “Tôi trồng lúa lai năng suất cao hơn giống lúa thổ (giống lúa địa phương) 2 tạ/ha. Lúa đầy bồ, gia đình không lo thiếu gạo như trước”.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Hiệu quả sản xuất lúa lai TH3-3, TH 3-5 cho thấy rõ nhất là lượng giống giảm, ít sâu bệnh, lượng phân bón giảm, năng suất từ 70-80tạ/ha, cao hơn so với lúa thuần sản xuất ở địa phương 16 tạ/ha. Mặt khác, sản xuất giống lúa lai có khả năng kháng sâu bệnh cao nên đảm bảo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều.

Năm nay là năm đầu tiên nông dân của hai xã Suối Trai, Krông Pa - xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Hòa trồng lúa lai.

Trong vụ  đông xuân vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên phối hợp cùng với UBND xã Suối Trai, xã Krông Pa Sơn triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa lai với quy mô 20 ha cho 67 hộ tham gia. Tại cánh đồng thôn Thống Nhất xã Suối Trai, diện tích trồng lúa lai là 10 ha, với 37 hộ tham gia. Còn tại cánh đồng trạm bơm điện Buôn Lé, xã Krông Pa, diện tích trồng lúa lai là 10 ha, với 30 hộ dân tham gia.

Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (đối với xã Suối Trai), riêng xã Krông Pa hỗ trợ 100% giống và 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tham gia mô hình. Giống lúa lai thực hiện mô hình là TH3-5 (giống nguyên chủng). Đồng thời được tập huấn kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, các hộ tham gia mô hình có nhiều kinh nghiệm sản xuất lúa lai F1, thực hiện tốt các khâu sản xuất theo sự hướng dẫn chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật, kiểm soát tốt sâu bệnh nên lúa sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, ít sâu bệnh.

Kết quả, năng suất thực thu đạt từ 75 – 76 tạ/ha, lợi nhuận bình quân mô hình trên 20 triệu đồng/ha, chất lượng gạo mềm ngon phù hợp với tập quán của người dân và  được thị trường ưa chuộng.

Vụ hè thu 2017, nông dân trong huyện Sơn Hòa tiếp tục trồng 33 ha lúa lai.

Thành công của mô hình sản xuất lúa lai đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia. Mô hình đã giúp nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với phương thức sản xuất và kỹ thuật mới trong thâm canh lúa lai; tạo điều kiện cho các hộ nông dân khác trong xã, cũng như các xã lân cận tiếp cận những giống lúa mới và tham quan, học tập mô hình. Đồng thời mô hình góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, nhất là lượng giống gieo sạ từ 200 kg/ha xuống còn 50 kg/ha so với ruộng sản xuất đại trà ngoài mô hình và giảm lượng phân bón, thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết, từ những kết quả mà mô hình mang lại, Phòng NN- PTNT huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và các địa phương khác tiếp tục tuyên truyền vận động bà con nông dân thực hiện cánh đồng một giống, áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng giống tốt, giảm lượng giống gieo sạ vào sản xuất trong thời gian tới.

Mạnh Hoài Nam

Báo Phú Yên