Vùng miền núi phía Bắc có diện tích vườn ít nhưng khả năng mở rộng vườn tương đối lớn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của vùng rộng lớn kể cả trong nước và xuất khẩu. Do vậy, kinh tế vườn vùng miền núi phía Bắc đang chuyển biến mạnh mẽ từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa. Hình thành nhiều tổ chức sản xuất của nông dân gắn với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất cây con trong vườn tạo ra sản phẩm ổn định cung cấp cho thị trường. Với lợi thế vùng miền, vùng cung cấp nhiều sản phẩm trái vụ có chất lượng tươi ngon cung cấp cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và nước ngoài.

Đại biểu tham quan mô hình phát triển kinh tế vườn tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Tuy nhiên, điều kiện khí hậu đặc thù cùng với những tác động xấu của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng như: nắng nóng, rét buốt, băng giá, sương muối... trong mùa đông và xói lở đất, lũ quét... trong mùa mưa bão; Địa hình đồi dốc cao, chia cắt cản trở việc thâm canh sản xuất. Tiến bộ kỹ thuật áp dụng còn hạn chế, năng lực sản xuất và tư duy kinh tế của các nhà vườn chênh lệch cao, vì vậy sản xuất nhiều loại nông sản nhỏ lẻ, thiếu đồng loạt, ít có số lượng hàng hóa lớn, thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Việc thu mua, chế biến, bảo quản nông sản còn thiếu doanh nghiệp tham gia; Chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế vườn còn nhiều hạn chế như: chính sách tín dụng, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa, liên kết sản xuất...

Để góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế vườn vùng miền núi phía Bắc phát triển bền vững trong thời kỳ hiện nay, trong 02 ngày (07-08/12/2017), tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển kinh tế vườn bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa trong thời kỳ hội nhập” vùng miền núi phía Bắc.

Tham dự Diễn đàn có hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, cán bộ khuyến nông, Hội Làm vườn và nông dân đến từ các tỉnh vùng miền núi phía Bắc: Hòa Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La cùng các chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học Kỹ thuật NLN miền núi phía Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia,.... Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương đến tham dự Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo Hội Làm vườn Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, mô hình kinh tế VAC định hướng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện nay, Hội Làm vườn Việt Nam đã tập trung xây dựng mô hình phát triển kinh tế VAC áp dụng theo hướng GAP và kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Cuộc vận động sản xuất cây ăn quả theo quy trình GAP đã được hội viên các tỉnh có sản phẩm VAC hàng hóa tập trung. Nhiều Hội địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên,… còn triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản như ong mật Sơn La, cam Cao Phong, gà đồi Yên Thế, vải Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Da xanh…

Thảo luận tại Diễn đàn, đại biểu đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất cây ăn quả trên vườn đồi, trong đó có các vấn đề như trồng cây giống sạch bệnh, kỹ thuật tuyển chọn cây đầu dòng,  quy trình sản xuất theo VietGAP, sản xuất hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân chuyên dụng, biện pháp phòng trừ một bệnh trên cây ăn quả như bệnh thán thư đục quả xoài, cách xử lý quả xoài bị nám, quả bị sẹo, tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, thủ tục vay vốn để sản xuất, chính sách của nhà nước hỗ trợ nông dân sản xuất, thủ tục đăng ký chứng nhận sản phẩm VietGAP, sản phẩm hữu cơ ...

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng – Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Biggreen chia sẻ: “Diễn đàn là cơ hội để tăng cường kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp kinh doanh nông sản an toàn với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao của nhà nước để trao đổi thông tin, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật”.

Đại biểu đã tham quan mô hình phát triển kinh tế vườn của ông Cao Văn Công tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Ông Cao Văn Công (người đứng thứ 2 từ bên trái sang, áo đen) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn với các đại biểu của Diễn đàn.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi – Q. Giám đốc Trung tâm KNQG tổng kết một số giải pháp phát triển kinh tế vườn vùng miền núi phía Bắc trong thời kỳ hiện nay như sau:

+ Thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, tạo cơ hội hình thành gia trại, trang trại. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

+ Thúc đẩy tổ chức lại sản xuất của nông dân theo hướng cộng đồng, tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp... để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây là tiền đề để sản xuất hàng hóa theo chuỗi, nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

+ Đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng giống mới, giống sạch bệnh; kỹ thuật tưới nước tiết kiệm; bón phân chuyên dụng; phòng trừ dịch bệnh theo dự tính, dự báo; áp dụng kỹ thuật cắt tỉa cành, bao quả để phòng trừ dịch bệnh, bảo quản chế biến sau thu hoạch...

+ Đề xuất, thực thi các chính sách cho phát triển nông nghiệp như tín dụng; cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch; Liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

+ Tập huấn để nâng cao năng lực cho người làm vườn, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Nguyễn Sâm

Xem video về Diễn đàn tại đây