Năm 2018, tổng diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ lúa của tỉnh Đồng Tháp là 51.125 ha (chiếm  10,18% diện tích xuống giống toàn tỉnh), được thực hiện ở các huyện, thị: Tân Hồng, Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành. Trong đó, vụ Đông Xuân 2017- 2018 thực hiện được 24.816 ha/10.760 hộ, vụ Hè Thu thực hiện được 15.803 ha/7.205 hộ, vụ Thu Đông thực hiện được 10.506 ha/3.266 hộ.

Có hơn 90 công ty, doanh nghiệp, cơ sở cũng như thương lái tham gia liên kết tiêu thụ lúa, với diện tích lúa được các doanh nghiệp tiêu thụ là 47.626 ha, trong tổng số 51.125 ha thực hiện (chiếm 92,4%); tổng sản lượng thực tế tiêu thụ là 298.098 tấn. Huyện có diện tích liên kết tiêu thụ lúa thực tế lớn nhất là huyện Tháp Mười với 19.913 ha, chiếm 42,21% diện tích liên kết tiêu thụ của toàn tỉnh. Trong đó, diện tích liên kết với thương lái chiếm tỷ lệ cao nhất với 19.345 ha, chiếm 41% diện tích thực hiện liên kết, sản lượng tiêu thụ là 120.130 tấn.

Năm 2018, tổng diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ lúa của tỉnh Đồng Tháp là 51.125 ha

Quá trình sản xuất, liên kết và tiêu thụ lúa tại Đồng Tháp có những điểm thuận lợi: chính quyền, các ban, ngành tỉnh, huyện, xã tích cực kêu gọi các công ty, doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết tiêu thụ, gắn kết sản xuất - tiêu thụ tại các vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo ở địa phương; huy động hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện công tác triển khai, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết tiêu thụ lúa; giám sát, nắm tình hình thực hiện, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa công ty, doanh nghiệp và nông dân. Điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nông dân tham gia thực hiện liên kết tiêu thụ với quy mô lớn và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong sản xuất. Mô hình liên kết tiêu thụ được kế thừa và phát triển từ nhiều mô hình trước đây nên việc nhận thức của nông dân và tổ chức thực hiện được thuận lợi; nông dân nhận thức được việc sản xuất lúa theo đơn đặt hàng, theo nhu cầu tiêu thụ, chú ý đến phẩm chất lúa gạo và sản xuất sản phẩm an toàn. Chính sách đầu tư của các công ty, doanh nghiệp cho nông dân đa dạng; nhiều công ty, doanh nghiệp khi thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ có ứng trước vốn, vật tư, giống; việc ký hợp đồng với nông dân được thực hiện ngày càng chặt chẽ, uy tín; công ty, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nông dân tham gia góp ý hợp đồng để đi đến đồng thuận cao; mua lúa với giá cao hơn giá lúa thị trường tại thời điểm tiêu thụ nên nông dân tin tưởng, an tâm và mạnh dạn tham gia.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên thì trong quá trình sản xuất, liên kết, tiêu thụ lúa còn có những khó khăn: Giá lúa tại thời điểm thu hoạch rộ luôn có sự biến động, dẫn đến tình trạng không thực hiện đúng hợp đồng đã ký‎ kết, tuy nhiên chưa có chế tài xử lý khi các bên vi phạm hợp đồng tiêu thụ nông sản. Diện tích sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa nếp là tự phát, theo cung - cầu của thị trường, do đó tính pháp lý của hợp đồng đối với mặt hàng lúa nếp chưa cao. Nông dân ở một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc tham gia liên kết tiêu thụ, vẫn còn quan niệm đây là mô hình nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải mua với giá cao; diện tích sản xuất của nông dân ở nhiều nơi chưa liên kết lại được với nhau nên còn manh mún, nhỏ lẻ; một bộ phận nông dân còn tập quán bán qua thương lái, chưa quen với hình thức liên kết tiêu thụ nên diện tích tham gia liên kết tiêu thụ chưa nhiều. Kỹ năng điều hành, năng lực hoạt động của Hội đồng quản trị các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác trong thực hiện liên kết tiêu thụ còn hạn chế, nhất là trong việc tổ chức sản xuất, kêu gọi doanh nghiệp liên kết và vận động thành viên thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp; một số HTX chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển lúa đến nhà máy; công tác vận động nông dân tham gia liên kết tiêu thụ còn hạn chế. Chính sách của một số công ty, doanh nghiệp chưa phù hợp nhu cầu của nông dân khi tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ, như giá bán vật tư của công ty còn cao hơn so với giá thị trường, vật tư do các công ty cung ứng đôi lúc không phù hợp với yêu cầu sử dụng của nông dân..., một số công ty, doanh nghiệp không đầu tư vật tư đầu vào (giống, phân, thuốc BVTV) hoặc hỗ trợ vốn trong sản xuất mà chỉ liên kết tiêu thụ lúa của nông dân vào thời điểm trước thu hoạch 10 – 15 ngày. Do xuống giống tập trung né rầy nên thu hoạch đồng loạt, từ đó một số công ty, doanh nghiệp không có khả năng thu mua cùng một lúc với số lượng lớn nên chốt giá trễ, thời gian thu mua kéo dài, người dân không đồng ý nên không thực hiện được hợp đồng. Sự liên kết giữa công ty, doanh nghiệp và nông dân chưa được chặt chẽ, thiếu bền vững, phương thức mua bán còn một số điểm chưa phù hợp nên chưa tạo sự đồng thuận cao.

Qua tình hình thực tế cho thấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là hình thức tốt nhất, tuy nhiên cần có sự can thiệp, hỗ trợ của các ban, ngành có liên quan cho các HTX về kiến thức quản lý cũng như kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết cùng HTX, hộ nông dân để tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung cũng như sản xuất liên kết tiêu thụ lúa nói riêng một cách hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Thị Yến

Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp