Để giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống của người dân do tác động bởi hạn hán, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch ứng phó với hạn hán gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh năm 2016.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận (TTKN) đã chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi, Chi cục Trồng trọt và BVTV, chính quyền địa phương tiến hành rà soát diện tích, xác định vùng sản xuất; đồng thời cân đối lượng nước của các hồ chứa tại thời điểm đó.

Trên cơ sở nhận được sự hưởng ứng của người dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, TTKN Ninh Thuận đã tập trung triển khai công tác tập huấn về các biện pháp canh tác cây trồng cạn; cán bộ khuyến nông trực tiếp bám sát đồng ruộng hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Theo đó, TTKN tỉnh đã tổ chức cho 1.648 lượt nông dân (42 lớp) học tập về kỹ thuật canh tác cây bắp lai (ngô lai), đậu xanh, mè (vừng), cỏ.

Kết thúc vụ đông xuân và hè thu năm 2016, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 2.036/1.536 ha sang canh tác cây trồng cạn thay thế cho cây lúa (phải dừng sản xuất vì thiếu nước), vượt 32,55% kế hoạch. Kết quả này đã giúp người dân có thêm thu nhập trong điều kiện hạn hán. Bình quân trên 20 triệu đồng/ha và cao hơn so với cây lúa 8,5 triệu đồng/ha từ các cây trồng chủ yếu như cây đậu xanh, cây bắp lai, cỏ.

Kết quả cụ thể:

Đối với cây đậu xanh, nhờ hướng dẫn kịp thời, áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật, sử dụng giống đạt chất lượng theo tiêu chuẩn nên năng suất bình quân đạt 10,8 tạ/ha/vụ, lợi nhuận cao hơn trồng lúa cùng trên chân ruộng 1,6 lần. Ngoài việc cải tạo, nâng cao độ phì của đất trong điều kiện hạn, trồng cây đậu xanh sẽ tận thu được lượng phụ phẩm từ thân, lá cây dùng làm thức ăn gia súc.

Mô hình canh tác đậu xanh tại Mỹ Sơn - Ninh Sơn - Ninh Thuận

Đối với cây bắp lai được trồng trên chân ruộng lúa không đảm bảo nguồn nước tưới đã cho năng suất rất cao, đạt 63,5 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn trồng lúa 1,8 lần. Cũng như cây đậu xanh, trồng bắp còn tận dụng phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc.

Đối với cây mè vụ hè thu, năng suất bình quân 7,8 tạ/ha, giá bán 30-32 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu được cao hơn trồng lúa 1,4 lần.

Trồng cỏ tập trung, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để giải quyết nguồn thức ăn xanh cho gia súc. Diện tích cỏ trồng tập trung trên 140 ha, sản lượng trên 17 nghìn tấn, lợi nhuận thu được từ trồng cỏ rất cao so với một số cây trồng khác trong cùng điều kiện sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức kết nối với một số doanh nghiệp có năng lực tài chính và thị trường tiêu thụ ổn định tham gia cung ứng giống cho nông dân (tạm ứng trước vụ). Đồng thời doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với mức giá sàn hợp lý, đã tạo sự yên tâm cho người dân tham gia liên kết. Bước đầu có trên 10% sản lượng đậu xanh; 60% sản lượng hạt mè và trên 1 nghìn tấn bắp lai được tiêu thụ thông qua hợp đồng. Kết quả này đã tạo sự yên tâm cho người tham gia chuyển đổi cây trồng.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện hạn hán đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân khi không thể gieo trồng các loại cây trồng truyền thống sử dụng nhiều nước; Góp phần nâng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt trên 39 triệu đồng/ha trong điều kiện nắng hạn kéo dài (những vùng thiếu nước phải dừng sản xuất); Tạo ra một khối lượng phụ phẩm (bắp, đậu xanh) để làm thức ăn cho gia súc nhai lại.

Đối với môi trường, việc chuyển đổi cây trồng cạn giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, hạn chế việc khai thác nước ngầm; lượng nước tiết kiệm được để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ cho vụ sản xuất tiếp theo. Ngoài ra, trên chân ruộng lúa sau khi trồng đậu xanh sẽ được bổ sung theo lượng đạm giúp cho việc cải tạo, nâng cao độ phì đất; hạn chế hoang mạc hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài; Đồng thời luân canh cây trồng cạn như đậu xanh, bắp, mè, cỏ, rau trên đất lúa sẽ cắt đứt nguồn truyền sâu bệnh hại cây trồng.

Qua thực hiện chuyển đổi cơ cấu trồng, bước đầu nhận thức của người dân trong tỉnh được nâng lên, tạo tiền đề cho việc thực hiện phương thức luân canh cây trồng nhằm đáp ứng các vấn đề: đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng hợp lý nguồn nước tưới trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm thiểu sâu bệnh hại, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện môi trường trong nông nghiệp. Các mô hình được bố trí ở nhiều vùng sản xuất khác nhau đã giúp nông dân tiếp cận phương pháp canh tác cây trồng cạn, thay đổi cây trồng truyền thống cần nhiều nước tưới thích ứng với hạn hán; phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt của tỉnh Ninh Thuận.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyển đổi cây trồng năm 2016 là điểm nhấn quan trọng làm cơ sở để Ninh Thuận tiếp tục mở rộng quy mô chuyển đổi cây trồng thích ứng với hạn hán gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong các năm tiếp theo.

Nguyễn Tin

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận