Ở khắp nơi trên địa bàn huyện, việc trồng, chăm sóc, thâm canh cây bưởi đặc sản đã phát triển thành phong trào rộng khắp; năng suất, sản lượng, chất lượng bưởi quả ngày càng được nâng cao. Cây bưởi ngày càng khẳng định vị thế mũi nhọn trong cơ cấu cây trồng của huyện, là một trong những giống cây có hiệu quả kinh tế cao nhất trong vùng cho thu nhập từ 300 đến 600 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2016, theo thống kê của phòng NN&PTNT huyện Đoan Hùng, toàn huyện có trên 5000 hộ dân trồng bưởi với tổng diện tích 1700 ha, (riêng năm 2016 trồng mới 165 ha) trong đó diện tích bưởi đã cho thu hoạch (từ 7 năm tuổi trở lên) đạt 970 ha. Năm 2010 sản lượng bưởi toàn huyện chỉ đạt 2000 tấn thì đến năm 2014 đạt 8000 tấn và năm 2015 đạt 9000 tấn, giá trị hàng hóa ước đạt 200 tỷ đồng. Khảo sát thực địa cho thấy: giống bưởi Sửu năng suất bình quân 70 quả/cây, giá trị đạt 600 triệu đồng/ha; bưởi Bằng Luân năng suất bình quân đạt 85 quả/cây, giá trị đạt 450 triệu đồng/ha. So với các giống cây trồng khác, bình quân 1 ha bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp và gấp 5 lần trồng chè… Điều đáng mừng là, khi vụ thu hoạch đến, hầu hết các vườn bưởi đặc sản không cần hái đem bán, khách hàng khắp nơi đã đến đặt mua trước tại vườn.

Thương lái đến mua bưởi Bằng Luân

Tới thăm các vườn bưởi ở thôn Chí 2, xã Chí Đám, quê hương của giống bưởi Sửu, giống bưởi quý nổi tiếng cả nước. Do phù hợp thổ nhưỡng nên bưởi Sửu quả to, múi dài, tôm mọng, vị thơm ngọt mát, ăn một lần sẽ nhớ mãi. Bưởi Sửu sau 5 năm trồng cho quả có chất lượng tốt, cây có độ tuổi càng cao thì chất lượng càng ngon, có thể bảo quản để dành được 5 - 6 tháng. Toàn xã Chí Đám hiện có gần 300 hộ trồng bưởi, diện tích đạt trên 90 ha, chủ yếu là diện tích soi bãi, mỗi năm từ các vườn bưởi này cho thu hoạch trên 20 tỷ đồng, với giá bình quân 60 ngàn đồng/quả như hiện nay thì tổng thu nhập của các hộ trồng bưởi đều đạt từ 100 đến 150 triệu đồng. Bưởi Chí Đám đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới vào đầu năm 2016.

Theo anh Đỗ Văn Thọ, người trồng bưởi lâu năm ở đây cho biết: “Bưởi ở đây trồng trên đất phù sa nên phát triển rất tốt. Vụ này gia đình tôi thu hoạch ước đạt trên 2000 quả, năm nay, bưởi đều quả và mẫu mã đẹp hơn”. Nói về kỹ thuật, ông Nguyễn Minh Mạch, Chủ nhiệm hợp tác xã trồng bưởi của Chí Đám cho biết: “Từ khi thành lập HTX đến nay, tất cả các hộ trồng bưởi ở Chí Đám đều thống nhất cùng nhau thực hiện các công đoạn tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, bón phân, thụ phấn, kể cả việc thu hoạch, dán tem nhãn, bán hàng đều tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật và quy định của Hiệp hội. Nhờ vậy mà chất lượng bưởi quả mới đảm bảo đúng thương hiệu Bưởi đặc sản Đoan Hùng”.

 Xã Bằng Luân có trên 800 hộ trồng bưởi với tổng diện tích trên 200 ha, trong đó có trên 90 vườn bưởi từ 100 cây trở lên đã cho thu hoạch. Nhờ việc thâm canh, chăm sóc cây bưởi đúng kỹ thuật mà vụ này sản lương đạt cao, quả sai trĩu cành, bưởi đều quả, mẫu mã đẹp, khách hàng từ khắp mọi nơi đã đến đặt mua. Vườn bưởi của ông Đỗ Văn Chính thôn 15 có 300 cây thì 200 cây đã cho thu hoạch, vụ trước bán bưởi, ông thu về 200 triệu đồng, vụ này, ông ước tính sẽ thu về 250 triệu. Vườn bưởi của gia đình ông Bùi khắc Nga ở thôn 6 có 200 cây cũng đã có khách đặt mua 200 triệu đồng, vườn bưởi bà Nguyễn Thị Xuân 150 triệu, ông Lã Đức Cường 150 triệu đồng, ông Trương Mạnh Hùng 180 triệu đồng… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Năm 2015, sản lượng bưởi toàn xã đạt 300 tấn, giá trị kinh tế ước đạt 50 tỷ đồng. Năm nay, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật mà chất lượng bưởi ngon hơn nên giá bán cũng đạt cao hơn năm trước, Bằng Luân vụ này lại tiếp tục được mùa bưởi”.

Nói về hướng phát triển của cây bưởi Đoan Hùng trong những năm tiếp theo, ông Nguyễn Hồng Lê, Phó trưởng phòng NN&PTNT Đoan Hùng cho biết: “Huyện Đoan Hùng sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư thâm canh toàn bộ diện tích bưởi đặc sản hiện có, ứng dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi quả. Phấn đấu đến năm 2020, năng suất bưởi đặc sản bình quân đạt trên 122 tạ/ha, sản lượng đạt trên 12.000 tấn, giá trị sản phẩm đạt trên 300 tỷ đồng. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học để áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm cải tạo mẫu mã, kéo dài thời gian bảo quản bưởi quả, ứng dụng quy trình VIETGAP thí điểm 500 ha để từ đó nhân ra diện rộng“.

                                                                                               Vũ Quý Đông