Thay thế diện tích chè già cỗi

Với thâm niên khoảng 20-25 năm, hầu hết cây chè giống cũ trên diện tích các nương đồi ở hầu khắp các địa phương được coi là “vựa chè” như Ấm Hạ, Gia Điền, Phương Viên, Yên Kỳ, Cáo Điền, Hương Xạ đều trở nên già cỗi, nhiều diện tích đã chết khô do đã quá thời kỳ sinh trưởng, tỷ lệ ra búp kém, năng suất thấp. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, người nông dân ở các địa phương trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã chuyển đổi toàn bộ diện tích chè giống cũ, già cỗi, cho tỷ lệ búp thấp sang trồng giống chè cành năng suất cao. Năm 2013, toàn huyện đã trồng mới được 42,3 ha chè. Trong đó, diện tích trồng giống chè cành đạt gần 100%, kể cả trên diện tích đất đồi dốc.

Hiện nay, người dân Hạ Hòa đã đưa vào trồng thay thế bằng các giống chè cành cho năng suất cao như LDP1, LDP2, giống chè Ấn Độ như PH1, chè Shan TB14… Theo đa số các hộ dân khoanh trồng chè cành thay thế chè già cỗi thì những giống chè cành có khả năng thích nghi với khí hậu cũng như thổ nhưỡng vùng trung du Hạ Hòa, sinh trưởng và phát triển tốt, thời gian cho thu hái nhanh, độ vươn và độ mập của búp hơn nhiều so với giống chè truyền thống.

Hơn nữa, mật độ ra búp và độ sẫm, độ dày của lá cao hơn nhiều giống chè đã già cỗi. Vì vậy, nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các hộ dân ở hầu hết các xã trọng điểm về chè đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng giống chè ngay trên diện tích đất chè cũ theo hướng cải tạo nhằm tiến tới xóa bỏ hoàn toàn giống chè cũ kém năng suất, thay vào đó là diện tích chè cành cho thu nhập cao.

Để diện tích chè cành trồng thay thế được phát triển tốt, người dân Hạ Hòa đã linh hoạt hơn về cải tạo diện tích đất trồng. Với đặc tính sinh học của các giống chè cành là ưa đất tơi xốp, đất ẩm, ưa mùn và đất bằng phẳng nên khi chuyển đổi mô hình, các hộ dân đã vừa hạ thế đất sao cho bằng phẳng hơn đồng thời tận dụng các diện tích đất bãi bằng để trồng chè. Nhờ vậy, trong quá trình canh tác, đất chè bằng phẳng sẽ giúp giữ được độ ẩm thường xuyên, việc bón phân, làm cỏ và đắp rơm rạ, chất mùn vào gốc chè sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, trồng chè cành ở đất bằng sẽ làm cho tốc độ vươn búp được đồng đều, hàng chè được đều, thuận lợi khi dùng máy hái để thu hoạch.

Qua một vài năm chuyển đổi giống chè, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã có diện tích chè cành vào loại lớn trong tỉnh. Các xã như Ấm Hạ, Yên Kỳ, Gia Điền, Phương Viên được coi là những xã có diện tích chè cành lớn trong huyện. Nhờ đó, tỷ lệ chè búp từ giống chè cành được tăng lên đáng kể, mỗi năm, toàn huyện thu hái được gần 20.000 tấn chè búp. Thu nhập cao từ chè cành là hướng đi bền vững của người nông dân Hạ Hòa hiện nay.

Nông dân ở Hạ Hòa thu hái chè cành

Gắn với chế biến tại chỗ

Việc chế biến chè từ diện tích chè cành cũng được các xưởng chế biến chè ở Hạ Hòa cải tiến nhiều so với phương thức chế biến thủ công trước đây. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Hạ Hòa, ở đâu có diện tích chè cành lớn thì ở đó mọc lên các cơ sở chế biến chè tại chỗ. Sức hút và hiệu quả của các doanh nghiệp chế biến chè ở Hạ Hòa ngày càng được nâng cao. Nằm trong chương trình phát triển tiểu thủ công nghiệp, các mô hình chế biến chè tại chỗ ở Hạ Hòa ra đời nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao, kích thích người sản xuất.

Đến nay, toàn huyện có trên 20 xưởng chế biến chè lớn nhỏ được dựng lên ở những xã có diện tích chè lớn, đường giao thông thuận lợi và thị trường tiêu thụ dồi dào. Hầu hết các xưởng chế biến chè ở Hạ Hòa đều tiến hành theo hình thức sơ chế chè búp tươi thành sản phẩm chè đen và sau đó bán ra thị trường.

Ngoài các nhà máy chè truyền thống có liên doanh với nước ngoài như công ty chè Phú Bền thì đa số là các xưởng chè tư nhân được dựng lên dưới sự quản lý của Nhà nước. Hơn nữa, căn cứ vào tình hình sản xuất chè ở các địa phương, huyện còn cho phép các xã thành lập nên làng chè theo hướng quy hoạch. Tại xã Ấm Hạ, từ năm 2008, xã đã thành lập Làng chè Chu Hưng với liên hoàn các khâu như sản xuất, chăm sóc và chế biến tại chỗ. Nguồn thu từ mô hình chế biến chè tại chỗ tăng đáng kể, người dân có thu nhập cao.

Miền núi Hạ Hòa hôm nay đang trên con đường xây dựng cuộc sống mới, trải qua bao thăng trầm, bao thử thách, con đường xoá đói giảm nghèo của người dân Hạ Hoà hôm nay luôn có sự đồng hành, chắc rễ bền gốc của cây chè cành. Hiện nay, cây chè cành ở Hạ Hòa vẫn mong đợi sự đầu tư, quy hoạch và công nghệ chế biến để tạo nên thương hiệu bền vững sản phẩm chè vùng núi xa xôi này.

Nguyễn Thế Lượng

Trường THPT Hạ Hòa- Phú Thọ