Tham dự diễn đàn có hơn 120 đại biểu là đại diện các đơn vị quản lý: Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Thủy sản; Đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trường đại học Nha Trang, trường đại học Nông Lâm tp.Hồ Chí Minh; Trung tâm Khuyến nông, Nông ngư dân các tỉnh miền Trung, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình và một số doanh nghiệp trong cả nước. Chủ trì diễn đàn có ông Trần Đình Luân – PTCTr  Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn  Tri Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Phú Yên.

Con tôm là một đối tượng sản xuất chủ lực của Ngành Nông nghiệp, xuất khẩu với sản lượng và giá trị cao nâng mức đóng góp GDP cho toàn ngành trong thời gian vừa qua. Trước đây con tôm sú phát triển mạnh nhưng tự phát dẫn tới dịch bệnh tràn lan khó quản lý. Sau đó đã phát triển thêm đối tượng là con tôm thẻ với ưu thế nổi bật là ít bệnh dịch hơn và sinh trưởng nhanh hơn.

Trong những năm gần đây Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các đơn vị quản lý chặt chẽ hơn, từng bước quy hoạch, định hướng phát triển, ưu tiên đầu tư nghiên cứu các quy trình kỹ thuật nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất và gần gũi thân thiện với môi trường hơn. Để đạt được mục tiêu lớn cho ngành tôm theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan xây dựng các chương trình tổng thể và giải pháp bền vững, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm chất lượng để tăng sản lượng xuất khẩu.

Tại diễn đàn, Ban chủ tọa ưu tiên cho sự phát biểu, trình bày và đề xuất của các doanh nghiệp, chủ trang trại đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nuôi tôm.

Tập đoàn Việt – Úc, UP đã giới thiệu đến đông đảo đại biểu các khu nuôi tôm công nghệ cao trong cả nước, các nghiên cứu ứng dụng hệ thống nhà màng, nuôi siêu thâm canh, ương nuôi con giống, quản lý môi trường, quản lý thức ăn… một cách rất hiệu quả; tuy nhiên với các hình thức này có mức đầu tư rất cao lên chưa phù hợp cho đại đa số người nuôi, chỉ có thể ứng dụng các công đoạn, sản phẩm kỹ thuật tạo ra từ tập đoàn.

Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc trình bày mô hình nuôi tôm trong nhà lưới trên cát hiệu quả nhờ công nghệ lấy nước biển ven bờ trong tầng đáy một cách khoa học.

Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng trình bày một số vấn đề về cấu trúc tầng nước, phương pháp khai thác nguồn nước đúng quy định và hợp lý cho các hoạt động nuôi thủy sản.

DNTN Chính Mỹ giới thiệu đến đại biểu công nghệ nuôi tôm biofloc rất hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời là bước cải tiến ứng dụng công nghệ nuôi semi-biofloc trong bể tròn nổi, đơn giản hơn mà hiệu quả, có thể phù hợp với đại đa số người nuôi bình thường.

Ngoài ra một số doanh nghiệp còn giới thiệu thêm các sản phẩm, công cụ phụ trợ cho nghề nuôi tôm như ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa; ứng dụng công nghệ sinh học, máy móc cơ khí… đang sử dụng đạt kết quả tốt tại các vùng khác nhau.

Qua thời gian trao đổi hiệu quả, ban chủ tọa khẳng định nuôi tôm trên cát là một lợi thế của khu vực miền Trung. Khi cánh cửa xuất khẩu tôm ngày càng chặt chẽ thì nuôi tôm trên cát trở lên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cần tập trung các nguồn lực để đưa khoa học công nghệ về miền Trung vào nuôi tôm nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng được tất cả các thị trường khó tính trên thế giới. Trong điều kiện khí hậu cực đoan, thời tiết thay đổi thất thường cần áp dụng tối đa các công nghệ, kỹ thuật đảm bảo sản xuất hiệu quả. Đôi với các cơ quan quản lý, cần quy hoạch vùng nuôi sát với thực tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quản lý chất lượng sản phẩm liên quan; chuẩn bị các điều kiện tạo sự thông thoáng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các trường, viện tăng cường công tác nghiên cứu tạo các sản phẩm chất lượng, quan trắc môi trường để cảnh báo kịp thời đến người dân. Các doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin, kết nối với nhau và với nông dân, người nghiên cứu, người quản lý để ứng dụng phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Đối với các cơ quan nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu để tạo ra con giống sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh; nghiên cứu nhiều mô hình hay, mới, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển giao cho nông dân. Đối với bà con nông dân cần tuân thủ các quy định của nhà nước về vùng nuôi, quy trình nuôi, các điều kiện sản xuất an toàn; Tăng cường học tập, thăm quan và trao đổi với nhau, với doanh nghiệp, với cơ quan nghiên cứu để nắm được các thông tin và sản phẩm/kỹ thuật mới.

Minh Anh 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia