Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Các chương trình, dự án hay các mô hình sản xuất, các lớp dạy nghề... đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện hiệu quả về năng suất, chất lượng trong quá trình sản xuất nhằm tạo ra sư cạnh tranh lành mạnh đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Việc sử dụng, ứng dụng KHCN vào sản xuất được ngành Nông nghiệp Phú Yên đặt lên hàng đầu. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả “Chương trình hành động thực hiện giảm lượng giống gieo sạ, tăng tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trong sản xuất lúa và chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, giai đoạn 2016 – 2020” của Sở Nông nghiệp và PTNT được thông qua các mô hình, các dự án tiên tiến, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP, theo quy trình an toàn dịch bệnh... nhằm tạo ra sản phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường...

Để đạt được những tiêu chí trên, ngành Nông nghiệp Phú Yên luôn chú trọng đến công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm theo chuỗi. Hình thành và phát triển các mô hình hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, tập trung trên cây lúa, cây mía, cây sắn, cây hồ tiêu... thông qua hợp đồng đầu tư và thu mua sản phẩm giữa các doanh nghiệp với bà con nông dân.

Điển hình trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Công ty CP vật tư Nông nghiệp Nghệ An và Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa triển khai mô hình cánh đồng lớn sử dụng lúa giống Vật tư - NA2 kết hợp giảm lượng giống gieo sạ trên diện tích 139ha /932 hộ tham gia. Kết quả thu nhập đạt cao hơn so với lúa đại trà gần 4,3 triệu đồng/ha. Đây là mô hình giảm lượng giống gieo sạ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. 

Mô hình trình diễn giảm mật độ gieo sạ giống lúa Vật tư - NA2

Đến nay, qua công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, toàn tỉnh đã có một số mô hình được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp Giấy chứng nhận như: Mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP của HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Ngọc; Mô hình ương nuôi tôm giống Green House của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc; Mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Công ty Vinacafe Sơn Thành do Tổ chức chứng nhận Control Union Việt Nam cấp; Mô hình quản lý rừng đạt chứng chỉ FSC (Hội đồng Quản lý Rừng thế giới) của Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu và Công ty TNHH Bình Nam.

Trong lĩnh vực chăn nuôi đã xây dựng được 02 liên kết chuỗi dọc từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi gà, lợn tại huyện Đông Hòa; 01 trại chăn nuôi gà sạch Đồng Lợi được triển khai tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; 01 trại chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại Trại Sơn An - huyện Tây Hòa. Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi gà an toàn trên đệm lót sinh học balasa theo quy mô hộ gia đình, mỗi mô hình nuôi từ 400 đến 3.600 con do Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện thực hiện.

Thời gian tới, ngoài việc khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc cùng tổ chức, nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ngành nông nghiệp cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ; chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đến hoạt động khuyến nông, đến việc đầu tư  đổi mới, cải tiến công nghệ và đẩy mạnh các hình thức sản xuất theo chuỗi, theo hướng liên kết giữa các tổ chức và nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn sệ sinh thực phẩm, đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững và hiệu quả.

Trần Hoàng Oanh

Trung tâm Khuyến nông Phú Yên