Đây là tiền đề tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, đồng thời thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong giai đoạn tới...

Hiệu quả sâu rộng từ cơ giới hóa nông nghiệp

Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến nay, nông dân các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất, chủ yếu các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản sản phẩm... Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có gần 24.600 máy sử dụng trong nông nghiệp, trong đó khoảng 3.110 máy làm đất, 230 máy gieo hạt các loại, 12.525 máy bơm nước lớn nhỏ, 300 máy gặt đập liên hợp DC60 trở lên, gần 200 máy gặt rải hàng và một số loại máy móc khác phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Các khâu có tỷ lệ cơ giới hoá cao như làm đất lúa gần 90%, tăng 16% so với năm 2013; thu hoạch 80%, tăng 54% so với năm 2013; làm đất cây màu đạt 56%; tưới, chăm sóc cây trồng đạt 72%; bảo quản thủy sản 87%... Nhờ đẩy mạnh đầu tư cơ giới hoá nên đã tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp gấp 2-3 lần so với lao động thủ công, góp phần giải phóng sức lao động và tăng hiệu quả kinh tế.

Có dịp làm việc và trao đổi với một số Giám đốc Hợp tác xã DVNN có diện tích sản xuất lúa khá lớn trên địa bàn tỉnh, được biết, khâu cơ giới hoá gây "ấn tượng" mạnh nhất với bà con nông dân là thu hoạch lúa. Với trên 60% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, máy gặt rải hàng, khoảng 18.000 ha lúa vụ đông-xuân của tỉnh đã được thu hoạch gọn chỉ trong vòng 12-15 ngày, kịp thời giúp người nông dân tranh chấp được thời vụ sản xuất vụ hè-thu. Đặc biệt, việc đầu tư nâng cao năng lực khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp không những giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch bảo đảm thời vụ mà còn giúp giảm tổn thất trong khâu thu hoạch và giảm hẳn giá dịch vụ so với gặt thủ công.

Ông Trương Hoằng, một lão nông ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh có khoảng 20 ha trồng lúa. Khi phong trào cơ giới hoá trong tỉnh bắt đầu "nở rộ", ông quyết định chung vốn với bạn bè mua máy gặt đập liên hợp để vừa phục vụ thu hoạch lúa cho gia đình, vừa làm dịch vụ cho bà con. Hiện tại, ông Hoằng đang có 3 máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ thu hoạch cho bà con quanh vùng Lệ Thuỷ, Quảng Ninh và một số tỉnh như Quảng Trị, Hà Tĩnh, Ninh Bình. Mỗi mùa thu hoạch lúa, những chiếc máy gặt đập liên hợp của ông làm việc không ngơi nghỉ, mang lại thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ngày/máy. Theo ông Hoằng, trước đây, mỗi khi vào mùa thu hoạch lúa, ông và bà con xung quanh vừa lo lắng tìm người gặt thuê, lại vừa lo chi phí gặt từ 220-250 nghìn đồng/sào, lại còn phải chi phí thêm công tuốt lúa và vận chuyển. Còn bây giờ, thu hoạch bằng máy chỉ mất chừng 10-12 phút/sào, chi phí 150 nghìn đồng/sào, lúa được đóng bao sẵn chỉ cần bốc lên xe chở về. Nghề nông vì thế mà trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn so với trước đây.

Không chỉ thu hoạch lúa, các khâu khác trong quá trình sản xuất nông nghiệp cũng đang cho thấy hiệu quả tích cực của cơ giới hoá như khâu làm đất, tưới tiêu... Trong các lĩnh vực như chăn nuôi, thuỷ sản, người dân đã chú trọng áp dụng cơ giới hoá, như: trang bị hệ thống máy bơm cấp nước rửa chuồng trại, đầu tư hệ thống thiết bị làm mát, sửa ấm, quạt thông gió trong chăn nuôi; sử dụng máy bơm nước để cấp, thoát nước trong ao, hồ, máy hút bùn cải tạo đáy ao, máy khuấy tạo ô-xy, máy phối trộn thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản; trang bị hệ thống máy tời thuỷ lực, máy làm lạnh trong thu hoạch và bảo quản thuỷ sản...

Theo đánh giá, nhờ đẩy mạnh cơ giới hoá nên đã góp phần làm tăng giá trị cây trồng, vật nuôi từ 10-25%, giảm chi phí sản xuất bình quân 2 triệu đồng/ha/vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Cơ giới hóa giúp tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp

Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa

Thời gian qua, các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng nông thôn, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng... tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Toàn tỉnh cũng thực hiện được gần 7.700ha diện tích "cánh đồng lớn" với các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô, sắn, lạc... đã góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Ngoài ra, để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cơ giới hoá, giai đoạn 2014-2017, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ 28 máy gặt đập liên hợp và máy cày cho các hợp tác xã, xã điểm nông thôn mới; hỗ trợ 1 máy dò ngang và 1 hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU cho tàu cá. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh máy nông nghiệp trên địa bàn có hình thức ưu đãi đối với người mua máy cơ giới nông nghiệp, đồng thời nghiên cứu đầu tư và phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm đồng đất của tỉnh.

Có thể nói, việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất đã phát huy được vai trò to lớn trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình trong những năm qua. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, mức độ cơ giới hóa ở các khâu sản xuất chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản thuỷ sản. Các khâu có tỷ lệ cơ giới hoá thấp như gieo cấy dưới 16%, phơi sấy lúa dưới 15%, chế biến thức ăn gia súc dưới 15%... Do đó, để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trongviệc thực hiện cơ giới hoá.

Cũng theo ông Phan Văn Khoa, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trang thiết bị máy móc trong các khâu sản xuất, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng cơ giới hoá, góp phần tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng và tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất trồng trọt; áp dụng máy móc, thiết bị cho chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, có kỹ thuật và công nghệ phù hợp để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; hỗ trợ các loại máy móc phục vụ đánh bắt thủy sản, phát triển hầm bảo quản trên tàu cá được sản xuất bằng chất liệu bọt xốp và lót hầm tàu cá bằng inox thay cho hầm vách gỗ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu làm đất trồng trọt đạt 95%; khâu gieo trồng đạt 35%; khâu tưới, chăm sóc đạt 80%; khâu thu hoạch (chủ yếu cho cây lúa) đạt 90%; cơ giới hóa khâu cung cấp thức ăn, nước uống (chủ yếu cho lợn) đạt 80%; chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại cho trâu bò, gia cầm đạt 25%; khâu thu hoạch thủy sản đạt 62%, bảo quản thủy sản đạt 95%...

Ngọc Lan