Chồng là cử nhân công nghệ thông tin, vợ là cử nhân ngoại ngữ nhưng lại có chung một đam mê là “Nông nghiệp sạch”. Chính vì đam mê đó, anh chị đã bỏ qua những công việc văn phòng hấp dẫn ở phía trước để lui về với nghiệp nhà nông.

Năm 2014, với “vốn liếng” chỉ gồm 10 con thỏ giống bà ngoại cho mang theo khi ra riêng, anh chị tạo dựng một chuồng nuôi thỏ nho nhỏ. Chị Sương chia sẻ: Không ít lần vợ chồng nhìn nhau ái ngại, không biết với 10 con thỏ này sẽ làm được những gì. Nhưng ngày qua ngày, vợ động viên chồng, chồng an ủi vợ. Cứ thế không ai bảo ai, cứ tự đọc sách, tự tìm tài liệu tích lũy dần kiến thức và “gắn kết” thực sự với nông nghiệp sạch từ lúc nào không hay".

Đáp lại sự cố gắng của vợ chồng chị, đàn thỏ cứ thế lớn dần, từ 10 con thỏ giống đã cho ra 100 con rồi đến 200 con. Nhưng vì thời tiết, kinh nghiệm nuôi chưa nhiều, 2 năm đầu khởi nghiệp là 2 lần đàn thỏ của vợ chồng chị gần như bị xóa sổ hoàn toàn vì dịch bệnh.

Với sự kiên trì, nhẫn nại, và sức mạnh của đam mê, của tuổi trẻ, hai vợ chồng lại gây đàn, xây dựng trang trại thỏ của riêng mình. Tuy nhiên, lần này vợ chồng chị Sương tìm đến các cơ sở thú y khám bệnh cho thỏ, tìm thuốc chữa bệnh cho từng con, rồi lại tự mình kiếm giống thỏ gây dựng lại đàn.

Chị Nguyễn Thị Sương tại trang trại thỏ của gia đình 

Đến nay, trang trại của vợ chồng chị đã có hơn 200 nái và trên 1.000 thỏ con, chủ yếu là giống thỏ New Zealand và thỏ Việt cỏ lai tạo. Theo chị Nguyễn Thị Sương, giống thỏ này có khả năng sinh sản nhanh, một con thỏ mẹ đẻ 6-8 lứa mỗi năm, một lứa đẻ từ 6 đến 10 con. Thỏ là động vật dễ nuôi và hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên chỉ cần nuôi khoảng 85 đến 100 ngày là có thể xuất bán nên rất nhanh có lãi.

Từ những thành công ban đầu, nhằm từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, tháng 8 năm 2017, chị Sương đã vận động bà con địa phương cùng thành lập HTX Hưng Phát. Theo anh Nam, nuôi thỏ không phải lo đầu ra, vì nhu cầu tiêu thụ thịt và con giống trên thị trường hiện nay khá cao.

Với định hướng phát triển chăn nuôi nông nghiệp sạch, các loại thức ăn cho thỏ đều được vợ chồng chị tận dụng từ cây cỏ có sẵn trong vườn. Với quy trình sản xuất gần như khép kín, chị Sương tự trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho thỏ; phân thỏ sau đó được thải ra sẽ ủ hoai và bón ngược lại vào trong gốc cỏ để vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Thỏ được nuôi tại trang trại sử dụng chủ yếu là thức ăn từ cỏ và bột bắp, hoàn toàn nói không với dư lượng kháng sinh, không chất tăng trọng.

Đặc biệt, anh chị còn chế biến thịt thỏ để đưa ra thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với thương hiệu “Thỏ Ruby” đã được chứng nhận đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Áp dụng quy trình mổ treo (mổ khô), hiện cơ sở của chị đã cung cấp cho thị trường các sản phẩm: thỏ móc hàm (thỏ được làm sạch, để nguyên con), dăm bông thịt thỏ, thỏ nướng, thỏ xào sả ớt, thỏ giả cầy… Từ quy trình mổ treo này, tất cả các sản phẩm “Thỏ Ruby” đều được chế biến sẵn kèm theo gói gia vị và được đóng gói hoàn chỉnh.

Chế biến thịt thỏ trước khi đưa ra thị trường

Ngoài ra, để các sản phẩm nông nghiệp sạch của mình có thể đến gần hơn với người tiêu dùng, vợ chồng chị Sương luôn tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy, tuy mới chỉ tung ra thị trường chưa lâu, nhưng các sản phẩm Thỏ Ruby đã chinh phục được niềm tin người tiêu dùng, có mặt ở các địa phương trong tỉnh và các thành phố lớn trong cả nước, như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Bình quân mỗi năm, cơ sở của vợ chồng chị Sương cung cấp cho thị trường từ 12 đến 17 tấn thịt thỏ; sau khi trừ các khoản chi phí, anh chị lãi ròng trên 200 triệu/năm.

Ngoài dòng sản phẩm chủ lực từ thịt thỏ mang tên Thỏ Ruby, các thành viên HTX Hưng Phát còn tự trồng và thu gom nén (hành tăm) với các sản phẩm nén được sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời, nhận bao tiêu sản phẩm nén và thỏ cho hơn 30 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, nhất là các hộ do chị em phụ nữ làm chủ nhằm hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phẩm…

Thùy Trang