Mô hình trình diễn trồng khoai lang Nhật có 11 hộ tham gia được thực hiện trên qui mô 1 ha ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ. Giống khoai lang sử dụng là khoai lang Nhật vàng (Beniazuma), thời gian xuống giống từ ngày 15-16/1/2017, với số lượng 70 kg hom giống/sào. Tham gia mô hình, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Thông ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ là một trong 11 hộ tham gia mô hình cho biết, trong nhiều năm trở lại đây, trên chân đất cát bạc màu ở xứ đồng Rẫy, thôn Thọ Trung, gia đình ông chủ yếu trồng cây đậu phụng (lạc) và cây mì (sắn) nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao nên trong năm nay gia đình ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng 3 sào khoai lang Nhật. Đến nay đã vào kỳ thu hoạch, cứ 1 dây lang ông thu được từ 3 đến 5 củ. Năng suất ước đạt khoảng 3 tấn, với giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng từ 13-15 triệu đồng. 

Với ông Nguyễn Đức Đạt, thôn Thọ Trung, đây cũng là năm đầu tiên tham gia trồng mô hình trồng khoai lang Nhật với diện tích 2,5 sào. Bình quân 1 củ khi thu hoạch có trọng lượng khoảng từ 200-400 gram, chất lượng củ và năng suất đạt cao hơn so với giống khoai lang địa phương.

Củ khoai lang Nhật vừa được nông dân tham gia mô hình thu hoạch

Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Sơn Tịnh nông dân đã và đang trồng nhiều loại giống khoai lang trên chân đất thiếu nước tưới, một mặt là để lấy thân làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Mặc khác, lấy củ để phục vụ cho chế biến thực phẩm và xuất khẩu. Tuy nhiên, đa số nông dân chủ yếu sản xuất giống khoai lang địa phương, chưa chú trọng đến việc sản xuất các loại giống khoai lang có chất lượng cao, do đó chưa nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Trước tình hình đó, Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh đã hực hiện mô hình trình diễn trồng khoai lang Nhật nhằm góp phần tăng năng suất, sản lượng và thu nhập cho bà con nông dân trên đơn vị diện tích canh tác. 

Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông huyện Sơn Tịnh thường xuyên xuống cơ sở để hướng dẫn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật như: vệ sinh đồng ruộng, làm đất, bón phân lót, vun hàng, trồng, phòng trừ cỏ dại, bón phân thúc, chăm sóc.

Đến nay, sau hơn 4 tháng trồng, giống khoai lang Nhật có tỷ lệ sống cao hơn 90%; khả năng đẻ nhánh các cấp của khoai lang Nhật nhiều (trung bình 4 nhánh/cây), tổng số lá trên thân nhiều (hơn 19 lá/nhánh), diện tích bề mặt lá to, rất thích hợp cho việc lấy thân làm thức ăn cho chăn nuôi; tỷ lệ củ thương phẩm tương đối cao, đạt hơn 66%; khối lượng trung bình củ thương phẩm đạt hơn 220 gram/củ; năng suất củ khoai lang đạt 19,4 tấn/ha, năng suất củ khoai lang thương phẩm đạt 17,8 tấn/ha, đạt 111,3% so với kế hoạch đề ra, cao hơn so với năng suất khoai lang địa phương trong cùng điều kiện sinh thái thổ nhưỡng 4,3 tấn/ha. Riêng năng suất thân lá của khoai lang Nhật đạt 12,96 tấn/ha, cao hơn so với năng suất thân lá của giống khoai lang địa phương 3,96 tấn/ha.

Với mức giá khoảng 8.000 đồng/kg củ thì doanh thu của mô hình hơn 142 triệu đồng, lợi nhuận hơn 93 triệu đồng/ha, tương đương với hơn 4 triệu 600 ngàn đồng/sào, cao hơn gấp 2 lần so với việc sử dụng giống khoai lang địa phương và cao hơn gấp 9 lần so với trồng lúa.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng khoai lang Nhật

Việc thực hiện mô hình trồng khoai lang Nhật giảm chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế mang lại cao, phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên chân đất thiếu nước tưới trong tình trạng hiện nay. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.

Trong thời gian tới, để mô hình trồng khoai lang Nhật tiếp tục được áp dụng và nhân rộng mô hình vào sản xuất đại trà, các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện công tác qui hoạch, định hướng đối với diện tích sản xuất khoai lang nhằm chuyển đổi cây trồng trên chân đất sản xuất lúa kém hiệu quả, đồng thời cần sự chung tay liên kết thu mua của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ổn định trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

Kim Cúc

Đài TT Sơn Tịnh, Quảng Ngãi