Dự án này nhằm chuyển giao các công nghệ về giống ngô lai mới LVN61 và CP333. Kỹ thuật trồng ngô theo tiến bộ kỹ thuật canh tác hiệu ứng hàng biên (canh tác ngô theo phương thức 2 hàng/luống và khoảng cách giữa 2 hàng/luống là 25cm, ngược lại khoảng cách giữa 2 luống là 80 cm, qua đó các hàng trên luống đều được tiếp cận với ánh sáng nhờ khoảng cách giữa 2 luống rộng). Kỹ thuật quản lý dinh dưỡng tổng hợp INM, IPM, IWM đối với cây ngô. Ứng dụng cơ giới hóa trong các công đoạn làm đất, gieo hạt và làm cỏ bón thúc, thực hiện quy trình thu hoạch và sơ chế ngô thương phẩm, thu gom, tách hạt, sấy và đóng bao.

Bên cạnh việc chuyển giao công nghệ, huyện Sơn Tịnh còn xây dựng mô hình chuỗi liên kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp, nông dân và cơ quan khoa học trong việc sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo quản và tiêu thụ ngô thương phẩm; nâng cấp tiềm lực của các HTX dịch vụ nông nghiệp tham gia trong chuỗi liên kết, đầu tư máy móc, thiết bị gồm: 1 hệ thống sấy nông sản, 3 máy tách hạt ngô, 2 máy lên luống và gieo hạt ngô 2 hàng, 1 máy cày Kubota, địa điểm đầu tư tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Tịnh Hiệp.

Mô hình trồng thâm canh ngô thương phẩm trên đất lúa kém hiệu quả để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi được thực hiện với qui mô 160 ha ( cụ thể 40 ha/vụ x 2 vụ/năm x 2 năm), trong đó, xã Tịnh Hiệp 140 ha, xã Tịnh Trà 20 ha. Kết quả mô hình phấn đấu đạt năng suất tối thiểu 70 tạ/ha, hiệu quả kinh tế tăng hơn 25% so với canh tác lúa; qui mô 1.100 tấn/kỳ dự án, trong đó 550 tấn hạt ngô thương phẩm giống LVN61 và 550 tấn hạt ngô thương phẩm giống CP333.

Toàn bộ ngô thương phẩm của mô hình được Công ty TNHH Thuận Giao ký kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Trà và Tịnh Hiệp bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ sản xuất. HTX dịch vụ nông nghiệp Tịnh Trà và Tịnh Hiệp ký kết thu mua ngô tươi của nông dân trong vùng dự án, tổ chức tách hạt, sấy theo tiêu chuẩn qui định và đóng bao để bàn giao sản phẩm cho Công ty TNHH Thuận Giao tại Hợp tác xã; Công ty TNHH Thuận Giao kiểm tra sản phẩm theo tiêu chuẩn quy định, tiếp nhận sản phẩm và vận chuyển về Bình Định để nhập cho Nhà máy cổ phần; giá bao tiêu sản phẩm được xác định theo giá thị trường thời điểm thu mua sản phẩm.

Khi tham gia thực hiện, dự án sẽ tổ chức đào tạo cho 20 kỹ thuật viên cơ sở am hiểu về các giống ngô mới, kỹ thuật làm đất và gieo trồng ngô trên chân đất lúa, kỹ thuật chăm sóc ngô trên đất lúa, kỹ thuật bón phân hợp lý cho cây ngô trên đất lúa kém hiệu quả, kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại tổng hợp trên cây ngô, kỹ thuật thu hoạch và sơ chế bảo quản ngô thương phẩm; tổ chức tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh ngô bền vững trên đất lúa kém hiệu quả cho 400 lượt nông dân trong và ngoài vùng dự án. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 5/2017 đến tháng 6/2019.

Về kinh phí, ngân sách Nhà nước (Trung ương, địa phương) hỗ trợ các khoản như: thiết bị, nhà xưởng, hỗ trợ công nghệ, giống ngô và 30% vật tư phân bón; người dân tham gia mô hình đối ứng: công lao động trực tiếp và 70% vật tư phân bón. Kinh phí thực hiện dự án 6,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương hơn 2,7 tỷ đồng, ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh Quảng Ngãi 880 triệu đồng, ngân sách huyện Sơn Tịnh hơn 1,1 tỷ đồng, vốn dân hơn 1,7 tỷ đồng.

Kim Cúc