Ông Hồ Tin ở đội 10, thôn An Kim, xã Tịnh Giang trồng 3 sào mía tại cánh đồng Lò Gạch, sau 11 tháng trồng hiện nay gia đình đang tập trung thu hoạch mía. Ông Tin cho biết, với giá mía hiện nay được nhà máy bao tiêu thì 3 sào mía của gia đình cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng, so với làm lúa thì khỏe hơn về công chăm bón, nước tưới và thu hoạch nhẹ nhàng hơn. 

Nông dân xã Tịnh Giang phấn khởi vì mía được mùa, được giá

Những ngày này nông dân xã Tịnh Giang đang vừa thu hoạch mía vừa tiến hành làm đất trồng mới mía vụ xuân. Nếu như trước đây nhiều nơi nông dân không mặn mà với cây mía bởi ảnh hưởng của bệnh chồi cỏ cộng với giá mía thấp thì nay nông dân phấn khởi hơn bởi sau một thời gian quyết liệt diệt bệnh chồi cỏ nên năng suất cây mía đã cải thiện. Đặc biệt trên các cánh đồng mía lớn nông dân hết sức vui mừng không chỉ năng suất sản lượng tăng hơn so với trước kia mà việc trồng chăm sóc cũng thuận lợi hơn nhiều.

Cũng trên cánh đồng mía, chị Nguyễn Thị Xuân, ở thôn An Kim, xã Tịnh Giang đang khẩn trương làm đất để tiến hành trồng lại vụ mía mới. Chị Xuân vui vẻ cho biết: vụ mía vừa qua gia đình trồng hơn 4 sào mía, giá cả năm nay thì tăng hơn năm trước khoảng vài trăm ngàn/tấn nên người nông dân rất phấn khởi. 

Các hộ dân đang tiến hành trồng vụ mía mới năm 2017 - 2018

Với chủ trương phát triển diện tích trồng mía tạo nguồn nguyên liệu mía cho nhà máy đường, hợp tác xã chuyên canh mía và dịch vụ nông nghiệp xã Tịnh Giang đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nhà máy đường Quảng Ngãi với người nông dân, từ đó nhà máy đường Quảng Ngãi đã tiến hành khảo sát thổ nhưỡng ở xã Tịnh Giang. Qua quá trình khảo sát, chất đất ở đây hoàn toàn phù hợp để trồng cây mía. Được sự nhất chí cao của chính quyền địa phương cùng sự hưởng ứng của bà con nông dân, đầu năm 2015, nhà máy đường Quảng Ngãi đã đưa cây mía vào trồng tại cánh đồng Lò Gạch, xã Tịnh Giang với tổng diện tích 26 héc ta. Để khuyến khích bà con trồng mía, nhà máy đường Quảng Ngãi đã hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón, đến vụ thu hoạch nhà máy đường cam kết sẽ thu mua toàn bộ mía giống theo giá thị trường, sau đó khấu trừ giống, phân bón và công làm đất ban đầu, còn lại người nông dân được hưởng lợi. Việc làm này nhằm mục đích nhân giống để cung ứng mía giống cho nhân dân trong những vụ tiếp theo và phát triển diện tích trồng mía ra các khu vực khác trên địa bàn xã để tạo vùng nguyên liệu mía cho nhà máy đường, đồng thời tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân. Có thể nói việc xây dựng các cánh đồng mía lớn là giải pháp tích cực giúp nâng cao hiệu quả trên cây mía ở xã Tịnh Giang.

Trên cánh đồng mía lớn ở xóm Lò Gạch, thôn An Kim, nhiều nông dân vui mừng vì mía được mùa, được giá. Người trồng mía ở đây hy vọng sản lượng cũng như giá cả cây mía tiếp tục được cải thiện để bà con tiếp tục bám cây mía. Cánh đồng mía lớn là giải pháp có hiệu quả trong việc giảm chi phí, tăng năng suất sản lượng và tạo sự liên kết, hỗ trợ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật giữa các hộ trồng mía với nhau. Đây cũng là cách để doanh nghiệp và nông dân xích lại gần nhau hơn, hỗ trợ đôi bên cùng có lợi. 

Như Đồng – Đức Văn