Trong nhiều năm qua, xã Tịnh Minh đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp thông qua nhiều hình thức như: xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở các lớp dạy nghề,… Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương của mình.

Bà Lê Thị Mỹ Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh cho biết: Thực hiện công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật luôn được xã Tịnh Minh quan tâm chỉ đạo, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích đất canh tác. Trong vụ hè thu 2017, Trạm khuyến nông huyện phối hợp với xã Tịnh Minh thực hiện mô hình trình diễn canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu tại xứ đồng Bè, xóm 3, thôn Minh Trung, với diện tích 10 ha, có 57 hộ tham gia. Giống lúa đưa vào sử dụng là giống lúa thuần DT45. Trong quá trình triển khai, cán bộ khuyến nông của huyện thường xuyên bám địa bàn, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện đúng qui trình kỹ thuật về ngâm ủ giống, gieo sạ, làm đất đảm bảo khung thời vụ. Đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa từng giai đoạn, đảm bảo cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã cho thu hoạch năng suất đạt từ 69-70 tạ/ha.

Cũng trong nhiều năm qua, sản xuất lương thực ở xã Tịnh Minh luôn mang tính ổn định về diện tích gần 240 ha, nếu như sản lượng lương thực năm 2012 chỉ đạt hơn 3.000 tấn, đạt 95% kế hoạch thì đến nay đã tăng lên hơn 3.800 tấn, đạt 105% kế hoạch. Năm 2012 bình quân lương thực đầu người 486 kg/người/năm thì đến nay bình quân lương thực đầu người 530 kg/người/năm. Để có được kết quả như trên, đó là nhờ nhân dân xã Tịnh Minh đã tiếp thu ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Đặc biệt ứng dụng giống lúa mới vào sản xuất đưa năng suất tăng hàng năm. Ngoài ra, người dân còn thực hiện thành công chuyển đổi lúa 3 vụ sang 2 vụ, nông dân ứng dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật đầu tư thâm canh nên năng suất cao.

Ngoài phát triển cây lúa, xã Tịnh Minh còn đưa vào phát triển cây ngô, mì (sắn), mía, đậu phụng (lạc), ớt,…. Đến nay, có hơn 90% diện tích trồng ngô đã sử dụng giống ngô lai cho năng suất, chất lượng cao. Toàn xã trồng 137 ha ngô, năng suất đạt 55 tạ/ha; trồng 120 ha mì, năng suất đạt 200 tấn/ha. Cây mì phát triển mạnh nhất là trên diện tích đất xám bạc màu, nghèo dinh dưỡng, vùng đất triền, gò đồi không chủ động nước. Trồng cây mì có thời gian sinh trường ngắn, chịu lạnh, cho năng suất cao như giống KM94-KM95. Nhiều hộ đã đầu tư cho năng suất cao, giá trị thu nhập từ 12-17 triệu đồng. Cây đậu phụng cũng đã thích nghi trên nhiều chân đất ở địa phương và phù hợp trong xen canh với cây trồng khác như: mì, ngô đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cây đậu phụng cũng là cây trồng vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa cũng vừa cải tạo đất. Đến nay, toàn xã trồng 20 ha đậu phụng, năng suất đạt 18 tạ/ha.

Nhiều giống lúa mới năng suất cao đã được nông dân Tịnh Minh đưa vào sử dụng

Bà Lê Thị Mỹ Hiệp cho biết thêm: Song song với phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Tịnh Minh cũng phát triển khá mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng đàn trâu năm 2012 từ 260 con, đến nay tăng lên 355 con, đạt 118%; đàn bò từ 1.600 con lên hơn 2.200 con, đạt 113%, trong đó bò lai ngoại chiếm 80% tổng đàn; đàn lợn từ 4.800 con tăng lên hơn 6.000 con. Đa số nông dân ở xã Tịnh Minh thấy được giá trị của bò lai thích hợp với điều kiện chăn nuôi hiện nay và đầu ra tăng từ 1,5-2 lần so với bò vàng Việt Nam. Hiện nay, trên 70% hộ chăn nuôi chú trọng đến việc lai tạo đàn bò nên thực trạng bê lai ra đời có máu ngoại từ 50-75%. Có nhiều hộ hàng năm xuất bán 2 lần bò thịt, thu nhập trên 50 triệu đồng. Đối với đàn lợn cũng được người dân địa phương đầu tư chăm sóc phát triển có hiệu quả. Bà con áp dụng theo qui trình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khẩu phần thức ăn phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng. Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại, nuôi từ 6-10 con lợn nái. Nhiều hộ nuôi gối vụ luân phiên trong chuồng có từ 30-40 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng từ 3-5 tấn heo hơi, thu nhập từ 40-50 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 20-30 triệu đồng.

Với việc phát huy lợi thế của địa phương, từng hộ gia đình đã khai thác được tiềm năng đất đai, mặt nước, đồi núi, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng. Đồng thời, nông dân Tịnh Minh đã nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động, cây trồng, vật nuôi với chất lượng tốt, thu nhập cao.

                                                                   Kim Cúc