Tính đến năm 2015, tỉnh đã hoàn thành một số chỉ tiêu cơ bản như về độ che phủ rừng đạt 53,6%, diện tích đất lâm nghiệp có rừng tăng đạt 331.262,1 ha; tổng trữ lượng gỗ các loại rừng đạt 16.843.082 m3, trong đó gỗ rừng tự nhiên 7.015.685 m3, gỗ rừng trồng 9.827.397 m3.

Quảng Ninh là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Việt Nam với tổng diện tích tự nhiên là 610.235,4 ha. Theo kết quả kiểm kê rừng, Quảng Ninh có 435.929,5 ha đất lâm nghiệp chiếm 71,4% tổng diện tích tự nhiên, trong đó rừng đặc dụng 25.225,8 ha, rừng phòng hộ 136.479,3 ha, rừng sản xuất 264.289,8 ha. Về trồng rừng sản xuất, với diện tích rừng sản xuất hiện nay là 264.289,8 ha (trong đó: đất có rừng 199.413,9 ha, chưa có rừng 64.875,8 ha). Tại các địa phương, cây keo vẫn là loài cây chủ lực được lựa chọn với tỷ lệ gây trồng từ 80 - 90% diện tích. Với hệ thống cơ sở vật chất hiện tại, về cơ bản đã sản xuất số lượng cây giống đáp ứng được nhu cầu giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh. Trồng rừng sản xuất (keo, bạch đàn), hiện nay phổ biến với mật độ bình quân 2.500 cây/ha, tại các Công ty Lâm nghiệp trồng với mật độ 1.650 – 2.000 cây/ha. Việc đầu tư trồng rừng thâm canh vẫn ở mức độ thấp, việc đào hố đúng kích thước, bón lót và chăm sóc rừng theo quy trình kỹ thuật thường chỉ được thực hiện ở một số đơn vị trồng rừng lớn còn các đơn vị trồng rừng nhỏ lẻ, các hộ gia đình chủ yếu trồng quảng canh nên năng suất thấp. Tại các địa phương trong tỉnh, tuổi khai thác rừng trồng chủ yếu từ 5-7 năm nên sản lượng khai thác bình quân chỉ từ 50-70m3/ha, năng suất bình quân khoảng 10m3/ha/năm.

Thực trạng phát triển trồng rừng kinh doanh gỗ lớn tại Quảng Ninh

Trồng rừng gỗ lớn luôn nhận được sự ủng hộ từ các nhà quản lý và chuyên gia lâm nghiệp, vì xét trên mọi khía cạnh thì rừng gỗ lớn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn hẳn cho người trồng rừng, đồng thời phát huy chức năng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Về chi phí đầu tư, trồng rừng gỗ lớn cũng có chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi cho công tác bảo vệ thay vì phải trồng lại rừng.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong công tác phát triển rừng sản xuất. Tuy nhiên, cũng như hiện trạng chung của cả nước, Quảng Ninh chưa có các giải pháp hiệu quả về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho chế biến gỗ xuất khẩu, do vậy đến nay chất lượng rừng trồng vẫn còn hạn chế, chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ... Năng suất, chất lượng rừng trồng còn thấp, giá trị kinh tế không cao. Sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 1.994.000 m3, trong đó có 398.000m3 gỗ lớn (20%) và 1.596.000m3 gỗ nhỏ (80%), chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến trong tỉnh. Tại một số địa phương, một phần diện tích được trồng từ nguồn vốn của Chương trình 327, Chương trình 661 mà trước đây được quy hoạch là rừng phòng hộ nay rà soát điều chỉnh cục bộ 3 loại rừng chuyển đổi sang rừng sản xuất cũng có thể cung cấp nguyên liệu gỗ lớn. Như vậy, dù chưa có đơn vị, cá nhân nào thực hiện phương thức trồng rừng kinh doanh gỗ lớn từ đầu chu kỳ (với mật độ, loài cây trồng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật phù hợp), song trên thực tế đã có sản phẩm gỗ lớn được hình thành từ việc tỉa thưa, nuôi dưỡng một số diện tích rừng nguyên liệu khi kéo dài chu kỳ kinh doanh (8-15 năm) hoặc chuyển đổi sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng.

Tham gia triển khai chủ trương phát triển rừng gỗ lớn, từ năm 2014, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh triển khai mô hình trồng và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn tại một số địa bàn trọng điểm về sản xuất lâm nghiệp. Tính đến năm 2017 đã triển khai trồng mới 120 ha, chuyển hóa 65 ha rừng keo tai tượng cung cấp gỗ lớn. Từ năm 2015-2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng phối hợp với Trung tâm KH&SX Lâm nông nghiệp Quảng Ninh triển khai thực hiện mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh bằng giống bạch đàn dòng UP54, UP99 được 80 ha rừng. Đến nay, các mô hình này tuy chưa đến chu kỳ thu hoạch, nhưng sau 2-3 năm trồng hay chuyển hóa đã cho thấy sự khác biệt và mang lại kết quả khả quan.

Định hướng và giải pháp phát triển trồng rừng kinh doanh gỗ lớn

Tuy lợi ích của trồng rừng kinh doanh gỗ lớn tỏ rõ sự ưu việt vượt trội, song chương trình này vẫn chưa tạo được hiệu ứng tích cực trong tỉnh và còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Vì vậy, để đạt mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2020 sẽ thực hiện được trên 18.000 ha rừng kinh doanh gỗ lớn, ngành Nông nghiệp & PTNT Quảng Ninh cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

- Về quy hoạch: Rà soát lập qui hoạch và kế hoạch chi tiết cho từng vùng, từng loài cây. Hoàn thiện việc giao đất, giao rừng cho cá nhân, tổ chức theo Đề án giao đất giao rừng tại các địa phương, đồng thời quy định rõ ràng các quyền sử dụng đất, sở hữu rừng, có thể chuyển nhượng, mua bán và thừa kế.

- Về giống, quy trình kỹ thuật: Giống cây trồng cần tập trung vào các loài cây sinh trưởng nhanh gồm keo tai tượng, bạch đàn và một số loài cây tuyển chọn mới. Các loài cây sinh trưởng trung bình và chậm như thông, sa mộc, trám, sồi phảng, lim, lát hoa và các loài cây bản địa khác cần được lựa chọn trồng theo từng dạng lập địa. Nghiên cứu chọn tạo giống có chất lượng cao và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh liên hoàn. Trước mắt, cần thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành để người dân thấy rõ hiệu quả và tự nhân rộng.

- Về chính sách: Nhà nước cần quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách để các tổ chức, cá nhân thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn vay. Có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với các chủ rừng quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ rừng. Khuyến khích, thu hút đầu tư trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn kết hợp với chế biến gỗ. Rà soát các thủ tục về tiêu thụ, lưu thông gỗ và lâm sản theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục không cần thiết. Khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ được cấp chứng chỉ FSC chế biến phục vụ cho xuất khẩu.

Chu Văn Trí

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh