Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện mô hình thâm canh cam đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong thời kỳ kinh doanh tại thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng. Đây là một hoạt động trong chuỗi dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung” thuộc chương trình Khuyến nông Trung ương.

Mô hình triển khai trên địa bàn Quảng Trị với quy mô 3 ha, trên giống cam Vân Du và V2, tuổi cây năm 4 bắt đầu cho thu bói năm đầu, thực hiện trong thời gian 9 tháng. Dự án hỗ trợ cho hộ dân thực hiện mô hình 30% vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra trong suốt quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật đã tiến hành tập huấn cho các hộ trong và ngoài mô hình trên địa bàn xã đang có nhu cầu trồng và chăm sóc cây cam.

Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thực hiện từng khâu trong quá trình triển khai; hướng dẫn cách xới xáo làm cỏ trên vườn, tỉa bỏ bớt cành khô, cành sâu bệnh, cành không có quả hoặc quả thấp, cành sa, cành trong tán, cách bón phân. Đặc biệt trong quá trình triển khai đã áp dụng một số giải pháp tăng cường quá trình ra hoa, đậu quả, chống rụng, bảo vệ và nâng cao chất lượng quả như sử dụng phân sinh học Tung Humic để phun vào các giai đoạn quan trọng của cam.

Qua thời gian triển khai cho thấy hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn 20% so với canh tác truyền thống. Cây sinh trưởng phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh hại nguy hiểm, quả đẹp, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Số quả bình quân 25 quả/cây, trọng lượng quả bình quân  4 quả/kg. So với sản xuất đại trà thì cam mô hình có trọng lượng quả lớn hơn, quả đồng đều, chất lượng của cam ngọt và đậm hơn.

Các đại biểu tham quan đánh giá mô hình thâm canh cam tại thôn Xuân Lâm

Mô hình triển khai đã mang lại những kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc phát triển đầu tư thâm canh lâu dài hiệu quả, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Tuy nhiên để cây cam phát triển lâu dài và bền vững thì người nông dân trồng cam cần thay đổi ý thức. Muốn phát triển cây cam thì phải có tâm huyết, đầu tư chăm sóc, tăng cường bón phân vô cơ, phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn. Ngoài ra chính quyền các địa phương và các ban ngành cần quan tâm hơn nữa đối với việc phát triển cây cam nói riêng và cây ăn qủa có múi nói chung trên địa bàn. Từ đó có những chính sách phù hợp hỗ trợ để phát triển vùng chuyên canh cây có múi được thuận lợi, nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị