Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đồng chủ trì Hội nghị.

Sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam, nghề khai thác cá ngừ đại dương có tốc độ phát triển nhanh chóng về số lượng tàu cá, sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho hoạt động khai thác xa bờ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong “hành trình” đưa cá ngừ trở thành sản phẩm chiến lược của ngành thủy sản: Trong khi công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản, nhất là khâu tổ chức thu mua còn nhiều bất cập, sự liên kết chuỗi trong sản xuất cá ngừ lại lỏng lẻo, kém hiệu quả, chưa được kiểm soát. Các giao dịch của chuỗi sản xuất cá ngừ mới chỉ tập trung theo sản xuất định hướng, chưa có chiến lược theo thị trường định hướng cụ thể.

Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” từ năm 2015 - 2020 tại 3 tỉnh trọng điểm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Sau 02 năm thực hiện Đề án, đến nay đã hình thành các chuỗi sản xuất cá ngừ, đội tàu khai thác cá ngừ cơ bản được hiện đại hóa, chất lượng sản phẩm được nâng cao và giá bán sản phẩm ổn định. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện đã có một số doanh nghiệp, cơ sở tham gia mô hình chuỗi như: Công ty TNHH Thịnh Hưng (ở Khánh Hòa) đã thông qua 02 cơ sở thu mua Hải Hà và Quốc Thu - Hoài Nhơn (Bình Định) để thu mua cá ngừ của 150 chủ tàu ở huyện Hoài Nhơn và liên kết với Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng với hơn 40 chủ tàu câu cá ngừ đại dương tham gia; Công ty Cổ phần Bá Hải liên kết thu mua với 08 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 72 tàu câu cá ngừ đại dương tham gia; Công ty TNHH Nguyễn Hưng liên kết tổ chức thu mua tiêu thụ sản phẩm cá ngừ sọc dưa với 25 tàu lưới vây cá ngừ...

Hiện tổng số tàu cá khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 2.372 tàu, với tổng sản lượng 92.192 tấn, trong đó dẫn đầu là tỉnh Bình Định, chiếm 56% về số lượng tàu và 58% về sản lượng khai thác.

Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư trang bị máy móc, thiết bị, công nghệ và tổ chức chương trình quản lý chất lượng của các nhà máy chế biến đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, lợi nhuận cho ngư dân. Các doanh nghiệp thủy sản đã tích cực đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, tổ chức quản lý sản xuất, triển khai chương trình quản lý chất lượng đảm bảo sản xuất, chế biến các sản phẩm cá ngừ (Steaks, Saku, Cube...) đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường; một số nhà máy đã trang bị thiết bị cấp đông sâu (- 60°C) cấp đông các sản phẩm chất lượng cao và có hàm lượng giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Bình Định là tỉnh đầu tiên thí điểm đánh bắt cá ngừ đại dương bằng công nghệ Nhật Bản.

Theo đánh giá của các đại biểu, chất lượng, giá trị sản phẩm cá ngừ đã được nâng lên rõ rệt; nhận thức, tay nghề, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm của ngư dân được nâng cao; tạo sự đoàn kết, gắn bó và mối liên kết gắn bó giữa các tàu tham gia trong mô hình; giá bán cá ngừ cũng tăng lên rõ rệt, từ 50.000 - 70.000 đ/kg năm 2012 - 2013 tăng 95.000 - 105.000 đ/kg năm 2016 - 2017.

Đến nay đã có 36 cơ sở thu mua và 15 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ sang 138 thị trường trên thế giới, đứng đầu là Mỹ, tiếp đến EU, Thái Lan, Israel, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Mexico...

Sau thời gian thực hiện Đề án, bước đầu đã giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm cá ngừ cho ngư dân, tạo đầu ra ổn định, khắc phục câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” góp phần nâng cao thu nhập đời sống cộng đồng ngư dân. Khuyến khích ngư dân đầu tư áp dụng quy trình khai thác sơ chế bảo quản, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, giúp doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu cho chế biến. Các mô hình liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tham gia chuỗi hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ nhau trong hoạt động khai thác, nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng và có bước tiến vượt bậc, nhưng phát triển khai thác cá ngừ đang bộc lộ nhiều hạn chế. Việc khai thác theo chuỗi giá trị vẫn còn quá mới đối với ngư dân; hiệu quả của việc chuyển đổi từ khai thác tự phát sang theo chuỗi giá trị vẫn chưa được rõ ràng. Các mô hình liên kết còn ở phạm vi nhỏ, tính lan tỏa chưa rộng, ngư dân và doanh nghiệp chưa thực sự gắn bó với nhau; hạ tầng nghề cá còn kém, chưa hiện đại. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ, thiết bị mới vào khai thác, sơ chế, tiêu thụ còn hạn chế: một số ngư cụ của Nhật chưa phù hợp với điều kiện khai thác cá của tàu Việt Nam nên ngư dân ít sử dụng như bộ cần câu và mồi giả. Máy thu câu chưa được ngư dân sử dụng đúng chức năng nên cá vẫn còn vùng vẫy mạnh khi bị dính câu dẫn đến chất lượng cá chưa được cải thiện. Các dịch vụ nước đá, xăng dầu còn nhỏ lẻ, manh mún không tập trung tại các cảng theo quy hoạch nên không kiểm soát được chất lượng; phương tiện xếp dỡ còn thủ công lạc hậu kéo dài thời gian, làm giảm chất lượng cá. Luồng lạch của biển một số cảng thường bị bồi lấp ảnh hưởng đến việc xuất nhập bến tiêu thụ sản phẩm. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến Đề án xây dựng mô hình liên kết chuỗi do còn e ngại về thủ tục. Ngoài ra, một số chính sách không còn phù hợp.  

Xác định cá ngừ đại dương là một trong những đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn và còn nhiều dư địa cho phép phát triển khai thác, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển khai thác cá ngừ; đồng thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, từ cơ chế chính sách đến các quy định, yêu cầu về bảo quản, sơ chế sản phẩm sau khai thác.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cho biết: Để góp phần phát triển bền vững ngành khai thác hải sản xa bờ nói chung và khai thác cá ngừ đại dương nói riêng,  những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã quan tâm, lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động tổ chức các diễn đàn, cũng như triển khai các mô hình khuyến nông, hướng dẫn, tập huấn để hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 05 diễn đàn liên quan chủ đề về phát triển khai thác hải sản xa bờ, trong đó có 01 Diễn đàn về chủ đề "Nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương" ( năm 2014), với sự tham gia của 5 tỉnh ven biển miền Trung bao gồm cả 3 tỉnh khai thác cá ngừ trọng điểm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Để tiếp tục thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” đạt kết quả tốt, Hội nghị đã tập trung đưa ra một số giải pháp: Trước hết, cần ưu tiên xây dựng các mắt xích của chuỗi theo liên kết ngang phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất theo các Tổ hợp tác theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP Chính phủ. Ba tỉnh trọng điểm cần quan tâm xây dựng lại cảng biển hiện đại hơn để phục vụ khai thác cá ngừ. Xây dựng thương hiệu, dán nhãn sinh thái cho sản phẩm cá ngừ như MSC hoặc chứng nhận về quy trình sản xuất sản phẩm đầu vào theo VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Hỗ trợ các bên tham gia trong chuỗi liên kết, minh bạch hóa thị trường. Tiếp tục nâng cấp các trang bị các trang thiết bị phục khai thác tiên tiến trên tàu như: máy dò cá sonar hiện đại 4 đầu dò, cải tạo hầm bảo quản bằng xốp thổi, trang bị máy thu câu. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật vận hành, sử dụng các trang thiết bị hiện đại; hướng dẫn về kỹ thuật khai khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho dân. Định kỳ (02 năm/lần) tổ chức các diễn đàn có sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong khai thác thủy sản phù hợp các vùng, miền để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện mua bán và chuyển giao công nghệ. Kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số cơ chế chính sách để thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong khai thác./.

NTM