Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT - Trưởng Ban chỉ đạo và ông Trần Châu - Phó chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Bình Định đồng chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên - ông Trần Hữu Thế; Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam - bà Trần Thu Hà; lãnh đạo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Sở Nông nghiệp, Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đại diện Trung tâm Khuyến nông, doanh nghiệp và ngư dân khai thác cá ngừ của 3 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định.

Đánh giá việc thực hiện công việc 6 tháng đầu năm, các đại biểu cho rằng: Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Số tàu khai thác cá ngừ của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa hiện nay là 2.542 tàu, trong đó: số tàu câu vàng và câu tay là 1.672 tàu, số tàu làm nghề lưới vây là 165,; lưới rê 255 tàu. Sản lượng khai thác khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to của 3 tỉnh là 10.600 tấn (Bình Định 4.720 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ; Phú Yên 3.500 tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ; Khánh Hòa 2.380 tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ. Sản lượng cá ngừ vằn của 3 tỉnh đạt 31.864 (trong đó Bình Định 12.085 tấn; Phú Yên 3.300 tấn; Khánh Hòa 16.479 tấn). Riêng tỉnh Bình Định tổ chức 5 chuyến khai thác cá ngừ cho 25 tàu tham gia dự án; cử 20 lượt quan sát viên hướng dẫn ngư dân thực hiện quy trình khai thác cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản trên 5 tàu trong các chuyến biển, đồng thời ghi chép số liệu, quay video gửi sang Nhật để phân tích, đánh giá kết quả thực hiện và điều chỉnh kỹ thuật cho phù hợp. Tổng số cá khai thác được trong 5 chuyến biển là 2.477 con/101.780 kg; số cá được kiểm tra xuất nguyên con sang Nhật là 712 con, tương đương 29.034 kg. Công ty Bidfisco  đã xuất thử một số mẫu cá ngừ tươi ở dạng Loin, bước đầu được thị trường Nhật chấp nhận.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá ngư dân bước đầu đã làm quen với công nghệ mới; tổ chức thu mua theo chuỗi đã đạt được kết quả nhất định; nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận nhanh các tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên một số hạn chế còn tồn tại như: chất lượng cá đã được nâng lên nhưng số lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu còn ít; cá đưa vào hầm bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu; thời gian đánh bắt dài, chất lượng và số lượng đá ướp cá chưa đạt…

Để thực hiện tốt đề án, các đại biểu đề nghị cần phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị, thay vì chạy theo số lượng; đẩy mạnh xây dựng mô hình khuyến ngư; xây dựng chính sách riêng cho cá ngừ; tổ chức thu mua ngay trên biển cho ngư dân…

Các đại biểu tham dự hội nghị 

Triển khai công việc 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo như sau:

- Các địa phương rà soát lại nhiệm vụ được phân công và tiếp tục triển khai tốt kế hoạch 2016;

- Tiếp tục xây dựng mô hình theo chuỗi, có sự tham gia của doanh nghiệp và nậu vựa;

- Hoàn thành các tiêu chí đánh giá chất lượng cá ngừ;

- Xây dựng các cảng cá chuyên dụng;

 - Áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm;

- Nghiên cứu phân chia lợi ích và rủi ro giữa doanh nghiệp và chủ tàu, ngư dân để chuỗi liên kết bền vững;

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đổi mới việc tập huấn cho ngư dân trên tàu khai thác; Sớm chuyển giao các công nghệ mới, tổng kết các mô hình trình diễn để nhân rộng;

- Hiệp hội Cá ngừ tăng cường bảo vệ lợi ích cho ngư dân và doanh nghiệp, phản biện chính sách, xây dựng thương hiệu cá ngừ, đấu tranh với các rào cản thương mại, đồng thời kiện toàn và đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

- Tăng cường xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế;

- Các đơn vị của Bộ bám sát thực tiễn cùng địa phương thực hiện tốt kế hoạch của Đề án.

 Kim Văn Tiêu

Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia