Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Thú y; Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thú y 13 tỉnh vùng Tả Ngạn sông Hồng, 12 tỉnh vùng Hữu ngạn sông Hồng, một số tỉnh vùng Bắc miền Trung; một số doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi.

ThS. Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y; TS. Nguyễn Nhân Lừng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y Bắc Ninh; ThS. Đoàn Thành Lũy - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng II đồng chủ trì Hội nghị.

Ban chủ tọa hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe các báo cáo tham luận của đại diện một số đơn vị về tình hình chăn nuôi, tình hình dịch bệnh, công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trong vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, ThS. Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: trong 6 tháng đầu năm, toàn vùng đã xảy ra 03 ổ dịch lở mồm long móng tại 02 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn. Nguyên nhân dịch xảy ra và lây lan là do việc vận chuyển gia súc mang mầm bệnh từ nơi khác đến nhưng không được kiểm dịch chặt chẽ. Ngoài ra, đã xảy ra 04 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6 tại 02 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh; làm ốm chết và phải tiêu hủy bắt buộc 11.950 con gia cầm các loại. Đặc biệt, bệnh dại đã phát sinh 04 ổ dịch tại 03 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng, làm 20 con chó nghi mắc bệnh phải tiêu hủy. Bệnh dại đã gây tử vong cho 08 người tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình và Lạng Sơn; cùng với 22.184 người bị chó cắn phải đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng. Bên cạnh đó, dịch bệnh thuỷ sản cũng xảy ra tại 5 tỉnh với diện tích 413,19 ha; trong đó đáng lưu ý là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND): có 125 ha tôm nuôi mắc bệnh tại 02 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, tăng gấp 03 lần so với cùng kỳ năm 2017, Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nhất với hơn 124 ha bị bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và thú y các tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu thực tế tại các địa phương; chỉ đạo công tác giám sát, phát hiện sớm, gửi mẫu chẩn đoán nhanh, bao vây xử lý ổ dịch nên phần lớn các ổ dịch khi xảy ra đã nhanh chóng được khống chế, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Hiện tại, các tỉnh trong vùng đã cơ bản triển khai xong tiêm phòng đợt 1 vụ Xuân - Hè cho đàn gia súc, gia cầm, đạt hơn 41,66 triệu liều vắc-xin các loại, giảm gần 13 triệu liều so với cùng kỳ năm 2017 (54,6 triệu liều), trong đó vắc-xin cho trâu, bò tăng hơn, còn các loại vắc-xin cho lợn và gia cầm giảm, đặc biệt là vắc-xin phòng cúm gia cầm giảm hơn 10 triệu liều.

Song hành cùng đó, công tác giám sát dịch bệnh, xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh, công tác kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, công tác quản lý thuốc cũng được các tỉnh triển khai, thực hiện kịp thời.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thú y của toàn vùng còn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập: Công tác kiểm dịch, đặc biệt là kiểm dịch vận chuyển, sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thú y khác trong vùng chưa được triển khai đầy đủ. Phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn cơ sở an toàn dịch bệnh chưa nhiều (hiện toàn vùng chỉ có 151 cơ sở ở 12/13 tỉnh). Tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh tại các địa phương vẫn chưa đạt quy định, đặc biệt đối với bệnh dại. Cơ sở giết mổ hầu hết có quy mô nhỏ lẻ và kinh phí triển khai quản lý an toàn thực phẩm rất hạn chế, đã gây khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý an toàn thực phẩm tại một số địa phương. Mạng lưới thú y cơ sở ở các địa phương - một mắt xích quan trong lại chưa ổn định do chế độ phụ cấp cho thú y viên, cộng tác viên thú y rất thấp nên có nhiều xã không có người làm thú y, dẫn tới việc thống kê, tiêm phòng, công tác theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh tại cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, sắp tới hệ thống Trạm Chăn nuôi Thú y huyện bị xáo trộn khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và 19-NQ/TW, gây tâm lý bất an cho nhiều cán bộ đang công tác tại trạm.

Toàn cảnh hội nghị

Kết luận Hội nghị, ThS. Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y đề nghị Chi cục Thú y vùng II, các Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thú y thuộc vùng Tả ngạn sông Hồng và vùng Hữu ngạn sông Hồng thực hiện tốt các nội dung sau:

- Về công tác cải cách hành chính: Người chịu trách nhiệm trực tiếp về cải cách hành chính là thủ trưởng các đơn vị. Hiện nay, Chính phủ là Chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo điều kiện thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân. Do vậy, các thể chế sẽ phải thay đổi như: Luật Thú y (điều 6), Nghị định 35/NĐ-CP, các Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNN, Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNN, Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNN sẽ thay đổi theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp và việc kiểm tra kiểm soát sẽ giảm rất nhiều.

- Về cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để xây dựng được tổ chức bộ máy tinh gọn, vận hành và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ với điều kiện cụ thể của từng địa phương thông qua các bài học kinh nghiệm từ tỉnh Quảng Ninh.

- Về công tác cải cách hành chính với tài chính công: Từ năm 2020 sẽ tách bạch giữa hành chính và sự nghiệp.

- Về Chính phủ điện tử: Chính phủ giao Một cửa Quốc gia cho Tổng Cục Hải quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện khai báo nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật và thủy sản. Đề nghị, Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thú y các tỉnh chấp nhận các giấy chứng nhận điện tử có giá trị như bản dấu đỏ.

- Về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi: Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trong những năm qua. Quan tâm đặc biệt đến các bệnh nguy hiểm. Chủ động về kinh phí và nhân lực để phát hiện sớm và xử lý ổ dịch kịp thời không để lây lan ra diện rộng.

- Về công tác tiêm phòng: Các tỉnh, đặc biệt những tỉnh nằm trong chương trình Quốc gia tiêm phòng phải được triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ.

- Xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh: Cần được đẩy mạnh như các tỉnh phía Nam nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

- Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm thực hiện theo yêu cầu trong báo cáo của Chi cục Thú vùng II.

- Công tác quản lý thuốc thú y: Tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Tách riêng công tác thanh tra và kiểm tra. Tập trung tổ chức thanh tra đột xuất, phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, không được thanh tra và kiểm tra chồng chéo.

- Đề nghị Chi cục Thú y các vùng phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong vùng thực hiện tốt các nhiệm vụ pháp luật về thú y, về an toàn thực phẩm và các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y./.

Nguyễn Mai

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Ninh