Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018” nhằm thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 08/4/2018.

Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh trân trọng cảm ơn sự có mặt của hơn 20 nhà khoa học người Việt Nam hiện đang sinh sống, công tác, làm việc và giảng dạy ở các trường Đại học nổi tiếng thế giới đã tham dự và đóng góp ý kiến quý báu tại Hội thảo. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn bằng việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển “tam nông”, trong đó chú trọng phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp và coi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là giải pháp động lực. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rõ “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạng xuất khẩu tạo tiền đề cho nông nghiệp thông minh”.

Sau khi khái quát về tiềm năng, thế mạnh, thực trạng, những tồn tại và phân tích nguyên nhân tồn tại của ngành nông nghiệp Việt Nam, nghe ý kiến đóng góp và giải đáp nhiều câu hỏi của các nhà khoa học, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xây dựng mạng lưới kết nối giữa giới chuyên gia khoa học người Việt trên khắp thế giới với những nhà khoa học Việt Nam, nhà quản lý, xây dựng chính sách và đặc biệt là với giới doanh nghiệp trong nước nhằm tìm giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững, cụ thể hóa bằng các hợp tác nghiên cứu ứng dụng và sản xuất chung trong nông nghiệp trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang triển khai thực hiện chủ trương lớn là tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sơ kết 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nhằm tìm giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Đề án này theo hướng phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững. Trong đó tập trung vào 2 trụ cột chính là tổ chức sản xuất và gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào các sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, lãnh đạo Bộ “đặt hàng” với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các tổ chức khoa học, kinh doanh về hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp trong 07 loại hình là: (i) Tập trung vào các sản phẩm quốc gia (lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn, rau quả, tôm, cá tra. gỗ và sản phẩm từ gỗ - đây là 10 sản phẩm thế mạnh của Việt Nam có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm); (ii) Các sản phẩm địa phương đặc thù theo chương trình “mỗi địa phương một sản phẩm” (One Community One Product -  OCOP); (iii) Đặt hàng theo gói kỹ thuật (theo chuỗi hoàn chỉnh từ nuôi trồng đến phân phối); (iv) Bảo quản và chế biến nông sản; (v) An toàn thực phẩm và môi trường nông nghiệp; (vi) Vật tư nông nghiệp thế hệ mới; (vii) Quản trị và nâng cao chật lượng nguồn nhân lực./.

Đặng Quang Huy

Bộ Nông nghiệp và PTNT