Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Phùng Đức Tiến tham dự chủ trì và phát biểu tại Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn

Đối với Ngành chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Những năm qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta phát triển tốt và từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới. Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả. Tỷ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cũng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực tin dùng, nhất là thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông.

Ngành chăn nuôi, đặc biệt là ngành sữa có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển do nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng (dân số Việt Nam từ 95 triệu dân năm 2019 lên khoảng 100 triệu dân vào năm 2025). Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra những cơ hội cho ngành chăn nuôi tiếp cận công nghệ giống mới, sản phẩm mới, phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến. Các Hiệp định song phương, đa phương, Hiệp định thương mại tự do có tác động mạnh đến khả năng sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có hiệu lực từ năm 2020, sẽ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Ngành sữa có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển (ảnh: V.O)

Bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi cũng như ngành sữa còn gặp phải những khó khăn và thách thức đang hạn chế tiềm năng phát triển của ngành: (i) Việt Nam hiện có 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng một nửa sản lượng thịt tiêu thụ trong cả nước, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng thịt, sữa và sản phẩm sữa khá cao để phục vụ tiêu dùng trong nước; (ii) năng suất chăn nuôi trong nước có xu hướng giảm, giá thành vẫn còn cao; (iii) chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi và công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm; (iv) giá trị xuất khẩu thấp khiến ngành chăn nuôi thiếu đi động lực để phát triển.

Tham luận tại Diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh – Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, năm 2018, số lượng bò sữa nuôi trong nông hộ chiếm đến 70,65% tổng đàn bò sữa cả nước. Chăn nuôi bò sữa đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, nghiêm ngặt, trong khi phần lớn hộ nuôi hạn chế về năng lực kinh tế, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm nên năng suất và chất lượng sữa không ổn định. Để phát triển chăn nuôi bò sữa nông hộ phát triển bền vững, TS Hạ Thúy Hạnh đề xuất một số giải pháp về quy hoạch vùng nuôi và vùng trồng cỏ; tiếp tục cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò sữa thông qua chọn lọc, giám định, bình tuyển con giống có chất lượng tốt; đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò sữa, tăng cường chăn nuôi bò sữa theo VietGAHP; chủ động về lượng và chất lượng nguồn thức ăn cho bò sữa;…

TS Hạ Thúy Hạnh trả lời phỏng vấn báo chí trong khuôn khổ Diễn đàn

Thông qua tham luận của các đại biểu tham dự, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, và cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương. Phát triển chăn nuôi gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bộ tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo 3 trục sản phẩm: Chủ lực quốc gia với 10 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; Chủ lực cấp tỉnh; Đặc sản lợi thế vùng/miền. Việc phát triển các chuỗi giá trị này hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; phát triển bao trùm; và đảm bảo xanh, sạch.

Một trong những giải pháp then chốt được Chính phủ Việt Nam ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức Đối tác công tư (PPP). Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiên phong thành lập Chương trình đối tác công – tư cho phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) trong khuôn khổ của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. PSAV đã thành lập 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng bao gồm: cà phê; chè; hồ tiêu; rau quả; gạo; thủy sản; hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi.

Nhận thấy chăn nuôi là một ngành quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam, tháng 4/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập thêm Nhóm công tác PPP về Chăn nuôi gồm 4 tiểu nhóm: bò sữa, heo, gia cầm, TĂCN.

Cũng tại Diễn đàn này đã diễn ra Lễ ra mắt Nhóm công tác công tác PPP Ngành hàng Chăn nuôi. Nhóm do khối công (Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) và khối tư (các Công ty) làm đồng chủ trì. Nhóm được thành lập với kỳ vọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó tập trung vào phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng, tính cạnh tranh và an toàn thực phẩm cho ngành chăn nuôi.

Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia