Được sự chuyển giao của Viện Nghiên cứu Đào tạo và Tư vấn Khoa học Công nghệ (ITC) và Viện Công Nghệ Sinh học trong 2 năm 2015 và 2016, Ban Quản lý Dự án phát triển chè (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên) triển khai Dự án "Ứng dụng dòng chế phẩm bảo vệ thực vật Anisaf SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại Thái Nguyên".

Theo đó, 65 hộ có điều kiện tốt nhất với diện tích 10 ha được lựa chọn tham gia dự án, xây dựng 2 tổ hợp tác (37 hộ của xóm 4, xóm 6 xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên với diện tích 5 ha và 28 hộ của xóm Bắc Hà 1, Bắc Hà 2, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ với diện tích 5 ha); trên các giống chè Trung du, LDP1 và Kim Tuyên trong giai đoạn kinh doanh.

Sau khi triển khai, các hộ dân đã được Ban chủ nhiệm dự án đã hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho cây chè. Trọng tâm của dự án là ứng dụng dòng chế phẩm bảo vệ thực vật Anisaf SH, chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura và một số chế phẩm vi sinh đa chức năng trong sản xuất chè an toàn theo quy trình vietGAP.

Chế phẩm bảo vệ thực vật Anisaf SH (Anisaf SH 01 2L) được nghiên cứu và sản xuất tại Viện Nghiên cứu Đào tạo và Tư vấn Khoa học Công nghệ (ITC) – Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam có thành phần hoạt chất là có thành phần hoạt chất là Polyphenol được chiết xuất từ các cây bồ kết, hy thiêm, đơn buốt, cúc liên chi dại không gây độc hại cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái. Chế phẩm vi sinh Microkitba (Vixura) được nghiên cứu và sản xuất tại Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Chế phẩm vi sinh Vixura là chế phẩm dạng bột chứa 12-15 loại vi sinh vật được phân lập, tuyển chọn tại Viện Công nghệ Sinh học, trong đó có các chủng vi khuẩn phân giải xenlulo Bacillus, xạ khuẩn có khả năng sinh ra các enzyme khác nhau để phân huỷ chất hữu cơ trong rác và rơm rạ.

Mô hình chè an toàn tại tổ hợp tác chè an toàn 46 xã Phúc Tân

Đối với cây chè, chế phẩm bảo vệ thực vật Anisaf SH có tác dụng phòng trừ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ... với liều lượng sử dụng là 50 ml/8 lít nước (lượng nước thuốc phun là 500-600 lít/ha/lần phun). Phun đều trên toàn bộ diện tích khi sâu hại xuất hiện hoặc phun phòng từ 3-4 lần phun/lứa chè. Sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura, mỗi gói 1kg hòa vào 50 lít nước tưới rải đều cho 3-5 m3 tương đương 1-2 tấn rơm, rác hữu cơ hoặc thân cành lá chè đốn; bổ sung thêm 1kg phân NPK; đánh đống; phủ nilon để giữ ẩm và giữ nhiệt. Sau khoảng 25-30 ngày phế thải hữu cơ bị mùn hóa được dùng làm phân hữu cơ. Chế phẩm Vixura có thể sử dụng để ép xanh trực tiếp lượng thân cành lá chè đốn hàng năm.

Các hộ dân tham gia mô hình đã thực hiện tương đối tốt quy trình sản xuất chè an toàn. Sau khi có kết quả kiểm tra, giám sát, kết quả phân tích các mẫu chè tươi và chè khô, tháng 12 năm 2015, Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã cấp 02 giấy chứng nhận VietGAP cho 02 mô hình diện tích 10 ha sản lượng 125,6 tấn chè búp tươi/năm (tương đương 25,1 tấn chè búp khô). Đó là, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Bắc Hà, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, số hộ tham gia là 28 hộ, diện tích sản xuất chè theo quy trình VietGAP là 5 ha, sản lượng 60,6 tấn chè búp tươi/năm (12,1 tấn chè búp khô) và Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn 46 Phúc Tân, xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên, số hộ tham gia là 37 hộ, diện tích sản xuất chè theo quy trình VietGAP là 5 ha, sản lượng 65 tấn chè búp tươi/năm (13 tấn chè búp khô). Giấy chứng nhận VietGAP có giá trị hiệu lực trong 02 năm.

Ông Lê Gia Thà, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn 46 Phúc Tân cho biết: “Trước kia người nông dân dùng rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Tham gia mô hình sử dụng các chế phẩm mới đầu thấy tác dụng chậm, tuy nhiên sau khi sử dụng liên tục, lại cùng tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất chè VietGAP, chúng tôi nhận thấy cây chè phát triển khỏe mạnh, lá chè dày, xanh đậm, ít rụng; cánh chè đều và đẹp, hương thơm, vị đậm, ngọt hậu…, sâu bệnh đã giảm lại không gây hại đến sức khỏe, môi trường mà còn cho ra sản phẩm sạch sau khi thu hoạch. Thấy hiệu quả giờ đây các tổ viên Tổ Hợp tác hoàn toàn tin tưởng sử dụng các chế phẩm này.

Kết quả đánh giá cho thấy sử dụng chế phẩm Anisaf SH trong sản xuất chè có tác dụng phòng trừ một số loại sâu hại chính như rầy xanh giảm từ 64,5-64,7%, bọ cánh tơ giảm từ 64,2-66,6%, bọ xít muỗi giảm từ 64,7-68,7%, hiệu lực thuốc kéo dài, làm giảm số lần phun thuốc, không gây độc cho cây, thiên địch và con người, không gây tồn dư thuốc trong môi trường và sản phẩm chè. Ứng dụng chế phẩm Anisaf SH và Vixura trong sản xuất chè an toàn năng suất đạt 122 – 127 tạ/ha/năm (tăng từ 14-16,5%) và hiệu quả kinh tế người làm chè thu lãi 171 – 232 triệu đồng/ha, hơn 87-100 triệu đồng/ha so với sản xuất chè thông thường.

 Theo ông Nguyễn Đình Thông, Phó trưởng Ban quản lý dự án phát triển chè - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, Dự án thành công đã xây dựng giải pháp ứng dụng đồng bộ chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học và chế phẩm vi sinh cho sản xuất 10 ha chè an toàn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn huyện Đại Từ và thị xã Phổ Yên, mỗi năm tạo ra 120 - 130 tấn chè búp tươi an toàn. Nhiều hộ làm chè trên địa bàn tìm đến các mô hình học tập kinh nghiệm và ứng dụng vào sản xuất; hiện nay diện tích đã nhân ra diện rộng, ước khoảng 20-30 ha chè.

Việc ứng dụng chế phẩm bảo vệ thực vật Anisaf SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải Vixura thay thế các chất hóa học trong sản xuất chè an toàn còn mang lại hiệu quả lớn về mặt môi trường và xã hội. Mô hình này cần được nhân rộng ra không chỉ cây chè mà còn trên các cây trồng khác trong quá trình xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững./.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên