Trình độ thâm canh trong sản xuất hạn chế: Sử dụng giống phẩm cấp thấp (tự nông hộ chọn lọc), bón phân không theo quy trình, không cân đối, phòng trừ sâu bệnh hại chưa tốt... nên năng suất thấp và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa chưa cao. Ngoài ra, công tác quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng; Nhiều giống lúa đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể nhưng khai thác chưa hiệu quả; Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún chưa tạo thành vùng tập trung nên khó hình thành mối liên kết "4 nhà"; Sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức khoa học và thị trường, vì vậy khả năng đầu tư, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật và tư duy sản xuất hàng hóa hạn chế.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, giúp người sản xuất lúa trong vùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa, năm 2017 Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp của các huyện và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang thực hiện dự án "Xây dựng mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc".

Mục tiêu của dự án là xây dựng được mô hình thâm canh lúa chất lượng cao áp dụng đồng bộ các TBKT (giống mới, giống lúa đặc sản, sử dụng giống cấp xác nhận, bón phân hợp lý, bảo vệ thực vật theo 4 đúng...) và mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng (quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ…) ở  miền núi phía Bắc.

Trong năm 2017, dự án đã triển khai 6 mô hình thâm canh với tổng diện tích 240 ha. Trong đó, 140 ha mô hình thâm canh tổng hợp các giống lúa địa phương chất lượng (Shéng cù, Già dui, Hương Chiêm, Tẻ Râu) và 100 ha mô hình thâm canh các giống lúa mới năng suất chất lượng cao (BC15, Bắc thơm 7 kháng bạc lá), với 1.074 hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, dự án đã tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo SRI và 3 giảm 3 tăng cho hơn 1.074 lượt hộ nông dân. Mô hình đã áp dụng các kỹ thuật: giảm lượng giống gieo (cấp nguyên chủng và xác nhận 1) chỉ 30-50kg/ha (trong khi nông dân thường gieo từ 60-70 kg/ha); thực hiện bón phân cân đối N-P-K theo nhu cầu cây lúa; phòng trừ sâu bệnh theo IPM. Áp dụng những kỹ thuật này giúp cây lúa khỏe, đẻ nhánh tốt, cứng cây, ít sâu bệnh hại.

Lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa theo 3 giảm 3 tăng tại Hà Giang

Kết quả sau khi được tập huấn kỹ thuật canh tác theo 3 giảm 3 tăng, 100% nông hộ tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang và Yên Bái đã áp dụng rất tốt vào các mô hình sản xuất với giống Shéng cù, Tẻ Râu, Già Dui, Hương Chiêm.

Cụ thể về lượng giống giảm 11,1-67,7%, giảm lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật từ 8,3-66,7%. Năng suất cao đạt 48,0-59,2 tạ/ha, vượt hơn từ 7,0-13,8 tạ/ha so với sản xuất theo truyền thống cũ và cho lãi thuần cao hơn từ 21,2-53,5%. 

Khi áp dụng quy trình SRI cho mô hình thâm canh các giống lúa mới năng suất chất lượng cao (BC15 và BT7 tại Sơn La và Điện Biên) đã tiết kiệm 10% lượng giống gieo, giảm lượng đạm bón từ 5-10% và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 25-66%, từ đó giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu từ 7,9-12,9% so với mô hình đối chứng. Năng suất vượt hơn ngoài mô hình từ 11,0-13,0 tạ/ha, tức là vượt từ 21,8-26,0% so với sản xuất đại trà. Hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn từ 10,2-12,6 triệu đồng/ha, tương đương mức vượt từ 31,1-43,1%.

Để thành công của mô hình được lan rộng ra không chỉ các xã, huyện lân cận mà cả các tỉnh khác, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 960 lượt người  tham gia với 24 lớp tập huấn cho các hộ nông dân không tham gia thực hiện mô hình. Bên cạnh đó dự án còn tổ chức 6 hội nghị đầu bờ với 670 người tham gia, 6 hội nghị tổng kết, 6 hội nghị liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm tại 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La và Điện Biên. Các hội nghị đều mang tính chất tuyên truyền sâu rộng đến người sản xuất lúa trên địa bàn, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số.

Cánh đồng lúa Shéng Cù áp dụng kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng tại Lào Cai

Năm 2017 dự án đã xây dựng 6 bộ tài liệu phục vụ tập huấn đã cấp phát 9000 bộ tờ rơi quy trình canh tác lúa theo 3 giảm 3 tăng và quy trình canh tác SRI cho các hộ nông dân, khuyến nông cơ sở, phòng nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo…

Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiêp nói chung và sản xuất lúa nói riêng thì tiêu thụ sản phẩm là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến tính hiệu quả và bền vững trên địa bàn vùng miền núi phía Bắc. Để giúp người sản xuất khắc phục được khó khăn này, bắt đầu từ khi triển khai dự án, đơn vị chủ trì đã tiến hành tìm kiếm, kết nối với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các đại lý và các công ty cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thực hiện mô hình. Dự án vừa đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật và là cầu nối xúc tiến việc kết nối người nông dân và doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm. Kết quả liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong vụ mùa 2017 tại 6 điểm triển khai dự án là 445 tấn thóc đã được các doanh nghiệp, HTX thu mua. Bên cạnh thu mua sản phẩm thì dự án cũng đã hợp tác với doanh nghiệp/HTX để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các thương hiệu gạo đặc sản vùng miền núi phía Bắc. Như vậy ngay trong năm đầu tiên thực hiện, dự án đã liên kết thành công mô hình liên kết 4 nhà tại 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La và Điện Biên nhằm đưa sản phẩm lúa gạo phát triển theo chuỗi nhằm tăng thu nhập cho các tác nhân trong chuỗi lúa gạo đặc biệt là đem lại hiệu quả cao cho nông hộ.

Theo anh Ngô Văn Tăng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết: Mặc dù 100% nông hộ tại xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đều là dân tộc Tày, trình độ nhận thức về canh tác lúa còn rất nhiều hạn chế; Nhưng qua 1 năm triển khai dự án, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, cùng với sự hướng dẫn sát sao của các cán bộ kỹ thuật, người dân nơi đây đã dần làm chủ quy trình kỹ thuật 3 giảm 3 tăng trong sản xuất. Kết quả thực tế trong vụ mùa 2017 đã cho thấy: Năng suất giống Già Dui trong mô hình đạt cao 58,8 tạ/ha, tăng 10,3 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Ngoài ra canh tác theo 3 giảm 3 tăng giúp tiết kiệm được trên 60% lượng giống gieo, trên 50% lượng đạm tiêu thụ và trên 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, nên giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu so với sản xuất đại trà ở mức 26,1%. Mô hình cho lãi thuần cao 58,1 triệu đồng/ha, vượt so với sản xuất đại trà 13 triệu đồng. Đây là minh chứng rõ nhất về hiệu quả mà các tiến bộ kỹ thuật (3 giảm 3 tăng) mang lại cho bà con nông dân ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

Tiếp tục thành công của dự án, năm 2018 các mô hình canh tác theo SRI và 3 giảm 3 tăng được nhân rộng ở hầu khắp các huyện của 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La và Điện Biên. Thời điểm hiện tại các mô hình đều đang trong giai đoạn đứng cái làm đòng chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu.

Bùi Thị Chuyên

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc