Tham gia Diễn đàn có trên 200 đại biểu là đại diện Sở Nông nghiệp &PTNT; các sở, ban, ngành có liên quan; đại diện các hộ nông dân của 14 huyện trọng điểm trồng cây vụ Đông trong tỉnh: Thọ Xuân, Yên Định, Cẩm Thủy, Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương, Hậu Lộc, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa.

Diễn đàn đã nghe một số báo cáo tham luận của các chuyên viên ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện và một số doanh nghiệp về: Định hướng và các giải pháp thúc đẩy sản xuất vụ Đông 2018-2019; Thực trạng và giải pháp phát triển sản xuất vụ Đông ứng phó với biến đổi khí hậu; Một số biện pháp kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh cây vụ Đông; Ứng dụng TBKHKT trong phát triển sản xuất cây rau màu vụ Đông thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển cây trồng đảm bảo vệ sinh an toàn; Giải pháp sử dụng phân bón hiệu quả trong sản xuất các cây trồng vụ Đông; Kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn hiệu quả cho cây trồng vụ Đông; Các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất rau màu vụ Đông; Sản xuất vụ Đông gắn với tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Yên Định; Bài học kinh nghiệm trong sản xuất cây trồng vụ Đông đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn tại Diễn đàn

Vụ Đông là một vụ sản xuất đặc thù với lợi thế ba tháng mùa Đông lạnh, tạo nên sự phong phú, đa dạng về chủng loại đối với cây trồng vụ Đông, nhất là nhóm rau màu ôn đới. Bên cạnh đó nông dân trong tỉnh có truyền thống và trình độ thâm canh vụ Đông cao, giá trị vụ Đông mang lại hàng năm khoảng 2.500- 3.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, sản xuất vụ Đông luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND về định hướng phát triển sản xuất vụ Đông nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được ban hành kịp thời đã khuyến khích động viên nhân dân mở rộng sản xuất. Việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, phòng chống thiên tai, sâu bệnh được ứng dụng có hiệu quả; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vụ Đông ngày càng được hoàn thiện; dịch vụ hỗ trợ sản xuất tiếp tục phát triển đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất cũng như bao tiêu, chế biến và bao tiêu nông sản. Nhiều huyện có phong trào sản xuất vụ Đông mạnh mẽ, là lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp như Thọ Xuân, Yên Định Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc... Các địa phương đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích các cây rau  màu có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Các sản phẩm cây vụ Đông có lợi thế như: ớt, dưa bao tử, khoai tây, ngô ngọt, ngô làm thức ăn cho gia súc, rau ưa lạnh... tiếp tục ổn định và phát triển. Nhiều giống cây trồng được nghiên cứu, khảo nghiệm phù hợp với điều kiện sản xuất của Thanh Hóa như: Các giống ngô CP111, LVN399, HN68, Bạch Long, Đường Lai 668...; Các giống khoai tây có nguồn gốc từ CHLB Đức đã được tuyển chọn, tiêu biểu như: Marabel, Concosdia, Georgina... cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh với các điều kiện thời tiết cực đoan; Các giống cà chua Tre Việt 1, VNS558...; Các giống bí xanh Fuji 868, PD888...; Các ứng dụng công nghệ cao như: hệ thống tưới tự động, nhà lưới, nhà có mái che, nhà màng chắn côn trùng, công nghệ trồng rau thủy canh... để sản xuất rau an toàn là hướng đi mới để thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.

Song song với những thuận lợi, sản xuất vụ Đông cũng còn gặp một số khó khăn như: thời tiết, khí hậu diễn biến bất thương; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, người dân hạn chế về kiến thức, lạm dụng phân bón hóa học, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật không theo quy định nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đất, nước, không khí, đến chất lượng cây trồng, con người và động vật.

Chính vì vậy, để phát triển nông nghiệp nói chung và vụ Đông nói riêng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả, bền vững cần có các giải pháp như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu vụ Mùa, tăng cường sử dụng các giống lúa ngắn ngày; đa dạng Mùa vụ và giống; đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa; chọn tạo những giống cây trồng mới; xây dựng phương án tưới, tiêu nước hợp lý cho diện tích gieo trồng cây vụ Đông; nhất là bảo đảm nhu cầu nước cho cây trong giai đoạn nhạy cảm, tiêu thoát nước tốt khi gặp mưa lớn, ngập úng; cần bố trí hợp lý cơ cấu nhóm cây ưa ấm, ưa lạnh và trung tính, cây có giá trị kinh tế cao gắn với sản xuất và thị trường tiêu thụ; tuyên truyền hướng dẫn cho nông dân sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc BVTV hợp lý theo quy định; áp dung các biện pháp luân canh, xen canh, gối vụ; xử lý chất thải từ trồng trọt bằng biện pháp ủ phân vi sinh; tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất...

Diễn đàn được các đại biểu tham dự đánh giá là thiết thưc, hiệu quả, chuyển tải nhiều thông tin cho sản xuất với 43 câu hỏi được Ban cố vấn lần lượt giải đáp đầy đủ, thỏa đáng cho bà con nông dân. Diễn đàn cũng là điều kiện để người nông học tập, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu Hiền

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa