Theo kế hoạch của UBND thành phố, giai đoạn 2017 - 2020, thành phố thực hiện chuyển đổi 37 ha trồng lúa nương và lúa nước 1 vụ kém hiệu quả; trong đó, 35 ha chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, gồm: nhãn (3 ha), chuối (20 ha), bưởi (5 ha), dứa (5 ha), thanh long (2 ha); 2 ha chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc.

Để người dân chuyển đổi hiệu quả, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác các loại cây trồng thay thế. Đồng thời, kêu gọi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với sản xuất cây ăn quả. Xem xét, tạo điều kiện hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả để có sự kiểm soát chất lượng, tăng giá trị hàng hóa. Tập trung phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng lớn theo chuỗi giá trị như lúa chất lượng cao và rau, quả an toàn. Thực hiện cơ giới hóa, thâm canh bền vững, giảm sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất; chú trọng khâu sau thu hoạch và chế biến. Trọng tâm cơ cấu lại một số cây trồng chính như lúa với các giống: IR64, Bắc thơm số 7, HDT10, diện tích gieo trồng lúa nước đạt 976 ha, sản lượng gần 6.000 tấn; sản xuất theo mô hình VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại 2 phường chuyên canh lúa của thành phố là Thanh Trường và Nam Thanh. Duy trì và tăng diện tích trồng ngô trên đất ruộng 1 vụ, phấn đấu đến năm 2020 đạt 310 ha, sản lượng đạt trên 1.000 tấn. Cây ăn quả duy trì diện tích hiện có 171 ha với các loại cây như: bưởi da xanh, cam, nhãn chín muộn, xoài Ðài Loan; thay thế các vườn cây ăn quả có năng suất thấp, bổ sung các loại cây có giá trị kinh tế cao từ 5 – 10 ha. Sản xuất rau sẽ triển khai mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Tà Lèng làm điểm và nhân rộng ra các địa bàn khác; đẩy mạnh sản xuất rau trái vụ, xây dựng các vùng chuyên canh rau an toàn. Ðến năm 2020, thành phố có 0,5 ha sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và 5 ha rau an toàn tại phường Thanh Trường, Thanh Bình và Noong Bua.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra sâu bệnh mô hình rau an toàn tại xã Tà Lèng

Thành phố cũng chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín, liên kết giữa các khâu. Ðến năm 2020, tổng đàn trâu, bò đạt 1.400 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 50 tấn/năm; đàn lợn 10.000 con, sản lượng 800 tấn/năm; đàn gia cầm khoảng 228.000 con; từ 2 - 3% đàn vật nuôi được chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Ðồng thời, tăng diện tích thủy sản lên 86 ha, sản lượng 262 tấn, nuôi các loài có giá trị kinh tế cao như: rô phi đơn tính, ba ba, tôm…

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), Thành phố  Ðiện Biên Phủ đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo đúng kế hoạch đề ra: 2/2 xã đạt chuẩn NTM, gồm xã Tà Lèng và xã Thanh Minh; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc: đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ đường giao thông được bê tông hóa 100%, hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa 75%- 80%, trên 80% diện tích lúa được tưới tiêu chủ động...

Phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới không chỉ là việc vận động nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: phát triển sản xuất, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, triển khai các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Định hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững bước đầu có kết quả tích cực. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được thử nghiệm, ứng dụng mở rộng trong sản xuất, tạo ra những chuyển biến mới trong sản xuất nông - lâm - thủy sản.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên