Nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp đa dạng hóa các giống lan tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã triển khai mô hình trình diễn trồng lan mokara cắt cành với quy mô 1.000 m2/4.000 cây cho 03 hộ tại 02 phường Linh Đông và Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức.

Các giống lan được triển khai trong mô hình gồm: Mokara Fullmoon (vàng chanh), Mokara Sayan duangporn, Mokara Chao praya white spot (trắng chấm), Mokara Modaang (đỏ).

Sau 01 năm triển khai mô hình (từ 11/2017 – 11/2018), với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, các hộ tham gia mô hình thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật với kiểu trồng trong luống cao ráo không ngập úng; giá thể chính là vỏ đậu phụng, khoảng cách cây cách cây 30cm, gốc cây cách mặt giá thể từ 3 – 5cm,…

Kết quả cho thấy cây đạt 92 – 98% tỷ lệ sống; chiều cao cây đạt từ 43 – 68 cm ở các giống; cây giống mập, khỏe, mạnh; sau 8 tháng đã ra hoa. Với giống Mokara Fullmoon (vàng chanh), Mokara Sayan duangporn, Mokara Modaang (đỏ): mỗi cành cho ra hoa từ  10 – 12 hoa và khoảng cách giữa 02 lần ra hoa là 2,5 - 3 tháng. Còn giống Mokara Chao praya white spot (trắng chấm) có  6 – 8 hoa/cành và khoảng cách giữa 02 lần ra hoa là 2,5 - 3 tháng.

Nông dân tham gia hội thảo về mô hình trồng lan mokara cắt cành

Về hiệu quả kinh tế, lan mokara cắt cành có thời gian thu hoạch lâu, nên theo ước tính năm thứ nhất với kết quả 75% cây ra hoa, tính mỗi cây ra hoa 02 cành, tổng 4.000 cây, được 6.000 cành, với giá trung bình 6.000 đồng/cành, kết quả mô hình đạt 36 triệu đồng. Năm thứ 2 là năm khi vào khai thác sẽ có 100% cây ra hoa và mỗi cành đạt 08 hoa/cành, sẽ có tổng 32.000 cành, với giá 6.000 đồng/cành, mô hình đạt được 192 triệu đồng. Như vậy với quy mô 4.000 cây/1.000m2, dự kiến sau 02 năm, mô hình sẽ thu được 228 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư trong 02 năm (giống vật tư, phân bón, thuốc BVTV, giàn lan, công chăm sóc,... khoảng 194,9 triệu đồng), sẽ lãi được 33,1 triệu đồng. Đến năm thứ 03 nếu các hộ chăm sóc tốt, ngoài bán hoa cắt cành có thể bán thêm cây con giống, khi đó hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều.

Kết quả cho thấy mô hình thích nghi với điều kiện khí hậu của quận Thủ Đức, đáp ứng tốt thị hiếu của người tiêu dùng trên địa bàn quận; Góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng hiệu quả kinh tế nông hộ; Tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn; Đồng thời, mô hình đã thực hiện đúng theo chủ trương của Thành phố về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với phương thức sản xuất nông nghiệp đô thị của Thành phố nói chung và quận Thủ Đức nói riêng.

Minh Hiếu

Trung tâm Khuyến nông Tp.Hồ Chí Minh