Vài năm về trước, do phương thức sản xuất chăn nuôi chỉ tồn tại chủ yếu dưới hình thức là nông hộ, cá thể nên quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, rải rác trong các khu vực dân cư, chuồng trại chăn nuôi không đảm bảo, chế độ chăm sóc lạc hậu, thiếu quy hoạch khu vực chăn nuôi nên khó kiểm tra quản lý, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Mặt khác, nhận thức của người dân về công tác thú y, phòng chống dịch bệnh còn hạn chế nên tình hình dịch bệnh diễn biến dịch bệnh phúc tạp, thường phát sinh một số bệnh như: tiêu chảy lợn, bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng lợn, Newcastle, Gumboro ở gia cầm, cảm cúm và tụ huyết trùng trâu bò vẫn xảy ra lác đác ở một vài nơi đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, thiệt hại và làm giảm tổng đàn gia súc, gia cầm…

Trong những năm gần đây, nhất là năm 2016 sự phối hợp giữa các phòng ban, cơ quan đơn vị như Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi và Thú y ngày càng chặt chẽ trong công tác triển khai các chỉ thị, thực hiện các chương trình kế hoạch của ngành nông nghiệp nên công tác thú y, phòng chống dịch bệnh được tăng cường, hướng mạnh về cơ sở. Nhiều lớp tập huấn được các đơn vị tập huấn thường xuyên dưới nhiều hình thức khác nhau, nội dung phong phú đa dạng sát thực tế. Trong đó, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức 8 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 400 người chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh nhằm chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của thiên tai gây ra, hạn chế thiệt hại về đàn vật nuôi do thời tiết nắng nóng và giá rét…

Các địa phương, cán bộ thú y cơ sở thường xuyên theo dõi, kiểm tra nắm chắc tình hình dịch bệnh và làm tốt công tác thú y kịp thời dập dịch những nơi mới có dấu hiệu dịch bệnh, không để lây lan sang diện rộng góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đối với các mô hình khuyến nông, dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thường xuyên phối hợp với Trạm chăn nuôi và thú y kiểm soát công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cho các mô hình, dự án đạt kết quả theo yêu cầu đề ra. Theo đó đặc biệt coi trọng công tác tiêm phòng bởi đây là một trong những biện pháp cần thiết, quan trọng nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên cho đến nay, việc triển khai tiêm phòng vắc-xin cũng gặp không ít khó khăn bởi người chăn nuôi còn chủ quan, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng dịch bệnh, chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra mới tiêm nên việc tiêm phòng hàng năm đối với đàn gia súc, gia cầm của một số nơi kết quả đạt không cao.

Về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, góp phần giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng cũng đang là một vấn đề tồn tại mà các cấp, các ngành, các địa phương cần phải quan tâm, có cách giải quyết hữu hiệu hơn. Do việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn chủ yếu do tư nhân và người chăn nuôi đảm nhận nên việc kiểm soát giết mổ chỉ mới duy trì ở các chợ, các lò mổ tập trung và chủ yếu đóng dấu trên thân thịt, việc khám sống trên gia súc vẫn đang là trở ngại đối với công tác thú y.

Nhìn chung trong năm 2016 tình hình dịch bệnh đã được khống chế nên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thị xã phát triển ổn định. Đó là kết quả đáng phấn khởi. Thực tế cho thấy, công tác thanh tra, quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc trong thú y đối với sản xuất, chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là các cơ sở kinh doanh mua bán thuốc, các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn, qua đó công tác xây dựng mạng lưới thú y cơ sở trên địa bàn luôn được củng cố… Công tác quản lý thuốc thú y đi vào nền nếp, nhận thức người chăn nuôi trong chủ động phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học ngày một nâng cao; trình độ cán bộ thú y từ thị xã đến cơ sở được tăng cường, thúc đẩy ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân.

Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Trạm Thú y tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị của Bộ, ngành nông nghiệp, của lãnh đạo thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đề phòng dịch bệnh tái phát, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc cũng như làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, đẩy mạnh việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, đặc biệt chú trọng đến những xã giáp với các huyện  khác, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của nhà nước trong lĩnh vực thú y.

Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thị xã phát triển nhanh, ổn định cả về số lượng và chất lượng, công tác thú y cũng cần khuyến cáo các địa phương, hộ chăn nuôi không nên chủ quan mà phải thường xuyên quan tâm, chăm lo đến công tác thú y một cách đúng mức, bởi làm tốt công tác thú y mới có thể góp phần vào đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập, nâng cao đời sống một cách bền vững cho người dân

Trạm Khuyến nông Hương Thủy