Từ năm 2013, công tác kế hoạch, quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ của Bộ đã có nhiều đổi mới từ khâu đặt hàng, giao trực tiếp và đánh giá các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Việc đặt hàng đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án tái cơ cấu đối với từng lĩnh vực. Về cơ chế hoạt động, Bộ đã điều chỉnh cơ cấu nhiệm vụ khoa học công nghệ và khuyến nông theo hướng tập trung các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đặt hàng trực tiếp cho các đơn vị nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng, có sự tham gia của doanh nghiệp. Ưu tiên việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, kỹ thuật thâm canh tiên tiến để giảm chi phí đầu vào và tăng hàm lượng công nghệ nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc của thực tiễn sản xuất như cơ cấu giống, chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, tưới tiết kiệm…

Giai đoạn 2013 – 2016, có 149 giống cây trồng, vật nuôi, 65 quy trình công nghệ, 35 tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận và chuyển giao vào sản xuất. Trong đó, khuyến nông giữ vai trò quan trọng trong quá trình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Nguồn kinh phí đầu tư phát triển khoa học công nghệ trung bình hằng năm khoảng 765,46 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 244,398 tỷ đồng (23,5%) cho hoạt động khuyến nông. Một số dự án đã đạt được kết quả nổi bật như: Dự án áp dụng kỹ thuật canh tác lúa 3 giảm 3 tăng, canh tác SRI ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiệu quả đã giảm chi phí 15% giống, 8% phân đạm, 12% thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình được nhiều địa phương nhân rộng. Dự án sản xuất thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh, áp dụng tưới nước tiết kiệm và phòng chống bệnh hại cho cây thanh long đã góp phần kiểm soát bệnh hại thanh long, tỷ lệ bệnh hại ở mức dưới 10%. Các chương trình khuyến nông chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, thay đổi tập quán đầu tư thâm canh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình nuôi thủy sản theo VietGAP đã góp phần giảm chi phí sản xuất 10 – 15%, hiệu quả tăng 30% so với ngoài mô hình, được các địa phương và bà con nông dân nhiệt tình tham gia và nhân rộng.

Bộc lộ nhiều hạn chế:

Trong quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công tác khuyến nông còn bộc lộ nhiều hạn chế về tổ chức, cơ chế tài chính, cách thức tổ chức thực hiện. Cụ thể:

Về tổ chức hệ thống khuyến nông: Mô hình quản lý nhà nước chưa ổn định, thống nhất, nhân lực quản lý nhà nước về khuyến nông còn hạn chế về số lượng và nghiệp vụ khuyến nông, chưa rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ đối với khuyến nông địa phương; các Cục, Tổng cục chưa làm tốt vai trò đặt hàng, nhân rộng mô hình khuyến nông vào sản xuất.

Về kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn thấp, chưa ổn định, ở nhiều địa phương chủ yếu chỉ đủ kinh phí trả lương, duy trì bộ máy. Trong cơ chế thực hiện chưa có phối hợp giữa trung ương và địa phương nên có nhiều nội dung trùng lặp. Quy định cấp phát kinh phí lần 1 là 30% gây khó khăn cho tổ chức thực hiện dự án có đặc thù mùa vụ. Chế độ, chính sách cho người tham gia hoạt động khuyến nông chưa được quan tâm đúng mức.

Về tổ chức thực hiện, việc xã hội hóa công tác khuyến nông chưa đạt hiệu quả cao do một số đơn vị chủ trì thiếu kỹ năng khuyến nông, chưa gắn kết với khuyến nông địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội. Hiệu quả các dự án nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu, phát triển sản xuất, mới chỉ tập trung hoàn thành các nội dung đặt hàng, chưa quan tâm đến nhân rộng mô hình sau khi kết thúc dự án.

Giải pháp giai đoạn 2016 – 2020:

Nhằm thúc đẩy công tác khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành, tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vừa qua đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu như sau:

Sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật: Nghị định số 02/2010/NĐ-CP, xác định rõ mô hình tổ chức quản lý nhà nước về khuyến nông ở cấp Bộ và địa phương; điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối với các dự án khuyến nông công nghệ cao, cơ giới hóa; chính sách tuyển chọn, giao trực tiếp dự án khuyến nông; chính sách nhân rộng mô hình khuyến nông… Tiếp tục điều chỉnh nội dung chi, mức chi, chế độ… và các định mức kinh tế, kỹ thuật cho phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ khuyến nông đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới. học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu bổ sung ngành học và biên soạn chương trình đào tạo cử nhân khuyến nông.

Đa dạng hóa nguồn kinh phí khuyến nông: Đề nghị Chính phủ tăng cường kinh phí cho khuyến nông trung ương, các địa phương ưu tiên cho hoạt động khuyến nông, nhất là khuyến nông người nghèo, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích các tổ chức, hiệp hội đầu tư hỗ trợ hoạt động khuyến nông.

Nâng cao hiệu quả dự án khuyến nông trung ương: Các Tổng cục, Cục chủ động đặt hàng dự án khuyến nông trên cơ sở tiến bộ kỹ thuật thiết thực phục vụ tái cơ cấu ngành. Triển khai thí điểm một số dự án khuyến nông theo cơ chế hợp tác công tư đối với một số sản phẩm chủ lực, xuất khẩu của ngành để làm cơ sở phát triển, mở rộng. Đa dạng hóa các hoạt động thông tin tuyên truyền, đổi mới hoạt động đào tạo huấn luyện, mở rộng nội dung và nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ khuyến nông.

Khoa học công nghệ là khâu then chốt, doanh nghiệp, người sản xuất là hạt nhân trong chuỗi sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cần tập trung đổi mới hoàn thiện sản phẩm công nghệ nhằm mang lại sản phẩm giá trị gia tăng cao. Đồng thời phải có sự tương tác chặt chẽ hơn nữa giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất và cơ quan khuyến nông ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, hướng tới hội nhập quốc tế.

Hình ảnh tham quan một số sản phẩm khoa học công nghệ trưng bày tại Hội thảo



Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia