Tuy nhiên, hiện nay, lượng giống gieo sạ của các tỉnh trong vùng còn quá cao, trung bình lượng hạt giống gieo sạ khoảng 150 kg/ha, có địa phương lên tới 200 kg hạt giống lúa/ha. Hệ lụy của việc gieo sạ dày là làm cho cây lúa kém sinh trưởng, sâu bệnh nhiều, năng suất thường thấp do sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa các cây lúa, chi phí sản xuất tăng … Theo tính toán, đến năm 2020, nếu toàn vùng giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn 80 – 100 kg/ha sẽ tiết kiệm được khoảng 300 nghìn tấn hạt giống lúa (tương đương 4.500 tỷ đồng).

Để đạt được mục tiêu đó, ngày 19/02/2016 tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phát động “Chương trình Giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” thực hiện từ vụ lúa hè thu năm 2016 đến vụ hè thu năm 2020. Thực hiện chương trình này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã ban hành Kế hoạch hành động, theo đó Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh vùng ĐBSCL ký kết giao ước thi đua thực hiện Kế hoạch hành động khuyến nông giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ. Ngay sau lễ ký kết, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, một số tỉnh thực hiện sớm và đạt kết quả tốt như Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh và An Giang.


Qua một năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực:

1. Hoạt động thông tin tuyên truyền

 Các tỉnh thực hiện tuyên truyền trên Bản tin của Sở Nông nghiệp và PTNT, Bản tin khuyến nông, báo, đài phát thanh truyền hình địa phương trên nhiều chuyên mục như kiến thức nông nghiệp, khuyến nông, tái cơ cấu ngành, biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, trong đó nhấn mạnh giảm lượng giống gieo sạ, điển hình như Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh.

In và phát hành tài liệu, poster về hướng dẫn quy trình “3 giảm 3 tăng” (3G3T), “1 phải 5 giảm” (1P5G), trong đó đặc biệt nhấn mạnh kỹ thuật gieo sạ thưa như ở Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ.

Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Hội thi Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu với sự tham gia của 13 tỉnh vùng ĐBSCL, trong đó lồng ghép tuyên truyền về giảm lượng hạt giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha, góp phần giúp nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác lúa.

 Song song với đó, các địa phương còn cử cán bộ kỹ thuật tham gia tư vấn giúp bà con về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cơ giới hóa khâu thu hoạch,… trong sản xuất lúa, rau màu nhằm ứng phó với hạn, mặn như ở Trà Vinh, Long An.

2. Tập huấn về giải pháp kỹ thuật giảm lượng hạt giống gieo sạ

Đến nay các tỉnh đều tổ chức tập huấn về phương pháp khuyến nông và biện pháp kỹ thuật giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa cho cán bộ khuyến nông và khuyến nông viên. Các dự án áp dụng biện pháp kỹ thuật 3G3T (13 tỉnh trong vùng), giảm lượng hạt giống gieo sạ (6 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng), dự án VnSAT (8 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Kiên Giang) đều kết hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân tham gia áp dụng giảm lượng hạt giống gieo sạ.

Từ nguồn kinh phí của địa phương, các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn kỹ thuật cho gần 34.000 nông dân tham dự. Nội dung tập huấn theo các chủ đề thực hiện giảm giống, cơ sở khoa học của việc giảm giống, canh tác lúa theo quy trình 3G3T, 1P5G, “1 phải 6 giảm” (1P6G), kỹ thuật trồng lúa SRI, kỹ thuật canh tác lúa áp dụng gieo sạ thưa và ứng phó hạn mặn, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao nhằm tiết kiệm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối, quản lý dịch hại hiệu quả và sử dụng hợp lý nguồn nước trong sản xuất.

3. Xây dựng và nhân rộng mô hình

Sau khi đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền và tập huấn, các tỉnh đã kết hợp với các chương trình, dự án khác lồng ghép xây dựng mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha, cụ thể như dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ trong sản xuất lúa” quy mô 360 ha (2 vụ liên tiếp) tại 6 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng; Dự án “Áp dụng 3G3T và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa” thực hiện 910 ha; Mô hình áp dụng lượng giống gieo sạ tối đa 100 kg/ha tại 13 tỉnh trong vùng; Dự án VnSAT thực hiện việc mở rộng mô hình 3G3T và 1P6G tại 8 tỉnh; Chương trình Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu triển khai vụ Hè thu 2016 quy mô 32,5 ha/65 hộ nông dân tiêu biểu, tại 13 tỉnh trong vùng.

Ngoài ra, một số tỉnh còn xây dựng nhiều mô hình bằng các nguồn kinh phí địa phương, như: Tỉnh Long An thực hiện mô hình cánh đồng mẫu canh tác theo hướng bền vững, quy mô 200 ha/277 hộ; Mô hình canh tác lúa theo quy trình 1P6G, ứng dụng công nghệ sinh thái thực hiện tại huyện Mộc Hóa, quy mô 60 ha/60 hộ. Tỉnh Đồng Tháp thực hiện mô hình sản xuất áp dụng 3G3T, giảm phát thải khí nhà kính gắn với tiêu thụ, quy mô 58 ha; Mô hình nhân giống lúa, quy mô 89 ha. Tỉnh Hậu Giang thực hiện mô hình nhân giống lúa chất lượng cao áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp gắn với cơ giới hóa, quy mô thực hiện 120 ha/429 hộ.

Sau một năm thực hiện kế hoạch giảm lượng giống gieo sạ, với nhiều hành động thiết thực, hệ thống khuyến nông các cấp đã giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức và có niềm tin trong việc áp dụng biện pháp giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa. Kết quả, vụ hè thu 2016, bình quân giảm được 3.287.000 đồng/ha, tương ứng giảm 17,7% chi phí sản xuất (gồm chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật), từ đó tăng lợi nhuận cho nông dân.  

Đến nay, tình hình sử dụng lượng hạt giống lúa gieo sạ tại vùng ĐBSCL đã có sự chuyển biến tích cực. Ở vụ đông – xuân 2015 - 2016, lượng giống gieo sạ toàn vùng ĐBSCL chủ yếu trên 150 kg/ha, chiếm 69,1%; lượng giống gieo sạ từ 100 - 150 kg/ha chiếm tỷ lệ 22,1% và lượng giống gieo sạ khoảng 100 kg/ha chỉ chiếm tỷ lệ 7,8%. Thì đến vụ hè thu và thu đông 2016, tỷ lệ sử dụng lượng giống sạ trên 150 kg/ha giảm còn dưới 50% và tỷ lệ sử dụng lượng giống khoảng 100 kg/ha tăng lên đến gần 10%.

Bảng: Thay đổi tỷ lệ diện tích sử dụng lượng hạt giống lúa khác nhau trong năm 2016 (%)

Khối lượng giống gieo sạ

Vụ đông xuân 2015 - 2016

Vụ hè thu 2016

Vụ thu đông 2016

Dưới 100 kg/ha

7,79

8,74

9,56

Từ 100 - 150 kg/ha

22,13

33,97

41,64

Trên 150 kg/ha

69,28

57,28

48,80

                                      Nguồn: Cục Trồng trọt, 2016

Để chương trình đạt kết quả tốt hơn, từ năm 2017 trở đi, hoạt động khuyến nông sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng các mô hình trình diễn theo quy trình canh tác mới, quy trình SRI. Tăng cường tập huấn, đào đạo, xây dựng các mô hình về giảm lượng hạt giống trong từng vụ, từng tỉnh và trong quy mô toàn vùng. Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tổng hợp trong sản xuất để phát huy tối đa giảm khối lượng hạt giống gieo sạ trên ha.

Thực hiện chương trình giảm lượng hạt lúa giống gieo sạ ở mức 80 - 100 kg/ha/vụ cho các tỉnh vùng ĐBSCL là giải pháp cơ bản, làm tiền đề trong việc vận động người dân quen dần với hình thức canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, trước tiên là giảm lượng giống. Với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp ngày càng khốc liệt, bên cạnh việc triển khai các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch sản xuất … thì giải pháp giảm chi phí đầu vào bằng việc giảm lượng giống lúa gieo sạ, giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới,… sẽ góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.

TRẦN VĂN DŨNG

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia