Kể từ khi có Nghị quyết số 26/NQ-TU ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 19/5/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất có tính dài hơi, ổn định, tổng thể cho cả giai đoạn như: Chính sách theo Quyết định 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/08/2011 của UBND tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 14/3/2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 24/2011/QĐ-UBND; Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND tỉnh ngày 16/7/2014 về Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 157/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 sửa đổi bổ sung Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND tỉnh; Nghị Quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017-2018.

Từ năm 2011 đến năm 2017, Hà Tĩnh đã hỗ trợ sản xuất thủy sản từ các chính sách đạt trên 120 tỷ đồng và kết quả là các chính sách đã tạo được “cú hích” thúc đẩy ngành thuỷ sản tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng, tạo nên những bước đột phá trong nuôi trồng lẫn khai thác.

Nổi bật lên là những con số ấn tượng như diện nuôi tôm thâm canh tăng gấp 4 lần (200 ha lên 800 ha, sản lượng tôm tăng trên 38%, thể tích lồng nuôi cá trên sông, hồ chứa tăng 17 lần (từ 3.000 m3 lên 52.471 m3); tăng 340 chiếc tàu cá xa bờ công suất lớn (39 chiếc lên 379 chiếc, bình quân 35 chiếc/năm); tăng 50 tổ hợp tác khai thác hải sản (năm 2017 có 67 tổ đội); hình thành và duy trì hoạt động có hiệu quả 20 HTX, 43 THT nuôi trồng thủy sản, 02 HTX nghề cá và 02 nghiệp đoàn nghề cá.

Nhiều chính sách đã tạo thuận lợi cho nghề thủy sản Hà Tĩnh phát triển

Song song với việc tăng những con số ấn tượng thì việc phát triển có chiều sâu cũng được chú trọng. Nhiều vùng nuôi tôm tập trung thâm canh, công nghệ cao có tính chất sản xuất hàng hóa được hình thành như nuôi tôm trên cát tại các huyện ven biển Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên; nuôi tôm trong ao lót bạt ở Hộ Độ - Lộc Hà, Thạch Long - Thạch Hà, Kỳ Thư - Kỳ Anh,… Hình thành được nhiều mô hình nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP như HTX Xuân Thành, nuôi thủy sản đảm bảo an toàn sinh học, thân thiện với môi trường theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi. Du nhập nhiều giống loài mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao như cá chim vây vàng, cá chẽm, cá đối mục, cá hồng mỹ, cá lóc, cá leo, cá điêu hồng, cá rô phi đơn tính giống mới... góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi trồng. Chính sách hỗ trợ đóng mới và nâng cấp, cải hoán tàu cá xa bờ đã tạo cú hích cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ, góp phần mở rộng ngư trường khai thác, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, giảm xung đột và áp lực khai thác tại vùng biển ven bờ. Đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá cho 493 người tạo ra cho đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng đáp ứng đòi hỏi nhu cầu sản xuất cho nghề cá tỉnh nhà. Phòng chống, xử lý một số dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm giảm thiệt hại kinh tế, giảm chi phí xử lý dịch bệnh cho người sản xuất, góp phần giúp người nuôi bị dịch bệnh có điều kiện sớm khôi phục sản xuất, đảm bảo môi trường sinh thái. Thông qua việc hỗ trợ hóa chất góp phần nâng cao ý thức của người nuôi trong chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Vượt qua cái nghèo, cái khó, đối mặt với nhiều rủi ro (ảnh hưởng sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh, rào cản thương mại,…), thuỷ sản Hà Tĩnh đã và đang tiếp tục đổi mới, phát triển để đạt những kết quả xứng đáng với tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng và xứng tầm với bạn bè trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, định hướng của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

 Kim Thịnh

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh