Đây là dự án đầu tiên của Việt Nam về đối tác công tư PPP giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp tự nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan.

Toàn cảnh Hội nghị

Dự án được thực hiện trong 5 năm (2014 – 2018), tổng kinh phí xấp xỉ 1,4 triệu USD, trong đó phía Việt Nam quản lý kinh phí 565 nghìn USD và phía Hà Lan quản lý gần 829 nghìn USD. Hoạt động dự án triển khai trên địa bàn 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang; Tập trung chính vào các hoạt động như: Điều tra thực trạng về chuỗi thịt lợn và các tác nhân chăn nuôi, giết mổ, chế biến; Hỗ trợ phân tích mẫu để kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP); Tập huấn kỹ thuật về chuỗi, ATTP và quản lý trang trại trong nước kết hợp với các chuyến tham quan tập huấn ở nước ngoài.

Hội nghị đã thông qua các báo cáo tổng kết của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các báo cáo tham luận của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia trong dự án. Các báo cáo nhấn mạnh về củng cố quản lý trang trại và chuỗi từ vai trò của đơn vị tư nhân tới chính sách hỗ trợ; Xây dựng chuỗi thịt lợn qua góc nhìn về năng lực sản xuất, kiểm soát ATTP và liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm; Khuyến nghị để cải tiến mô hình chuỗi thịt lợn ở Việt Nam nâng cao hiệu quả và an toàn thực phẩm”; Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi heo; Nâng cấp chuỗi giá trị lợn trắng có sự tham gia của người sản xuất quy mô nhỏ và nhạy cảm giới, đồng thời chia sẻ các kết quả tham quan học tập các mô hình chăn nuôi tại Hà Lan và Đài Loan.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt những kết quả như: Tổ chức 02 chuyến tham quan, học tập và 01 lớp tập huấn về chuỗi thịt lợn tại Hà Lan, Đài Loan; Tổ chức 22 khóa tập huấn về an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi VietGAHP với gần 500 lượt người tham gia; Tổ chức 6 Hội nghị với gần 700 lượt người tham gia về các chủ đề giúp phát triển bền vững và hiệu quả ngành chăn nuôi lợn; Nâng cấp và hỗ trợ xây dựng 11 mô hình chuỗi thịt lợn thuộc 5 tỉnh dự án.

Báo cáo về hoạt động triển khai dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc cho biết: Trong 3 năm triển khai (2015 – 2017) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức thành công 03 lớp tập huấn cho thú y viên và cán bộ khuyến nông để khuyến cáo ngăn chặn các chất cấm, chất tồn dư vào chuỗi thực phẩm bằng cách kiểm tra, xác nhận công đoạn chăn nuôi của chuỗi; Tổ chức 02 lớp tập huấn về VietGAHP trong chăn nuôi lợn cho các trang trại chăn nuôi lợn. Qua tập huấn đã góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi lợn và nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y và các chủ trang trại chăn nuôi lợn của 24 tỉnh thành. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phát hành 150 pano, 5000 tờ gấp và 16 bài viết nhằm tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn, phố biến kinh nghiệm và kết quả của các hoạt động thông qua tạp chí, internet và các phương tiện thông tin đại chúng.

Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc TTKNQG phát biểu tại hội nghị

Bà Hạnh cho biết thêm: Ngoài nguồn kinh phí dự án, từ nguồn kinh phí của Chính phủ Việt Nam, Trung tâm còn tổ chức một số hoạt động khác liên quan đến nội dung dự án như tổ chức 2 diễn đàn cấp khu vực nội dung vấn đề chất cấm trong chăn nuôi theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Diễn đàn đã tạo sức lan tỏa lớn cho người chăn nuôi, các cơ sở chế biến. Bà cho biết trong thời gian tới, tiếp nối thành công các hoạt động của dự án, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền tới cộng đồng không những tới người chăn nuôi mà cả tới người tiêu dùng. Đồng thời phối hợp với các chuyên gia của Hà Lan để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong vấn đề về tiêu chí an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để hướng tới các sản phẩm thịt lợn sạch xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, đại diện của Sở Nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh và Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng: Vấn đề giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh tiêu thụ rất quan trọng, cần có các chính sách, chế tài hợp lý, sát với thực tiễn của các cơ quan quản lý.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Hiện nay, chăn nuôi Việt Nam chưa có các chuỗi điển hình về chăn nuôi lợn; tỷ lệ chăn nuôi nông hộ còn rất cao, chiếm tỷ lệ rất lớn về số lượng và sản lượng, chính các đối tượng này đang chi phối ngành chăn nuôi về mặt cung cầu và giá cả thị trường. Từ thực tiễn cho thấy việc sản xuất theo chuỗi như các mô hình của dự án lợn (VIP) là đúng đắn và phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại. Để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thịt lợn thì nhất thiết phải sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Kết quả của Dự án cho thấy đã hỗ trợ để xây dựng thành công các mô hình liên kết tạo thành chuỗi và đã giúp thay đổi được hành vi của người tham gia trong chuỗi sản xuất thịt lợn. Trong thời gian tới, đề nghị chính phủ và các doanh nghiệp Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng công nghệ thông tin đồng bộ trong chăn nuôi.

Quảng Bình

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia