Đây là một trong những chuỗi hoạt động kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (6/8/2004 -  6/8/2019).

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia thuộc các viện, trường trong và ngoài nước; đại diện các sở, ban, ngành của TP.HCM; đại diện các nhà đầu tư doanh nghiệp, nông hộ sản xuất nấm trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đinh Minh Hiệp - Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM – Thành viên Hội Nấm học Việt Nam cho biết: Những lĩnh vực mà Khu nông nghiệp công nghệ cao chú trọng phát triển là các vấn đề liên quan đến cây trồng, kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch. Trong đó, nấm ăn, nấm dược liệu và vi nấm được xem là đối tượng chiến lược, phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị và có thể liên kết lan rộng đến các tỉnh, thành trên cả nước. Đây cũng là kế hoạch hoạt động của Khu nông nghiệp công nghệ cao từ nay đến năm 2030 với Dự án bảo tồn lai tạo và phát triển nguồn giống nấm, phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý môi trường.

Cũng theo TS. Đinh Minh Hiệp, ngành sản xuất nấm ở Việt Nam có tổng sản lượng hàng năm khoảng 250.000 tấn (2018), kim ngạch xuất khẩu 20 – 30 triệu USD. Trong sản xuất, giống nấm đóng vai trò tiên quyết, tuy nhiên bảo quản giống và nhu cầu về giống vẫn chưa được xem xét một cách toàn diện nhằm hướng tới giải pháp tổng thể phát triển ngành. Cho nên năm 2018, qua khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh giống nấm ăn, nấm dược liệu ở khu vực phía Nam (từ Đà nẵng trở vào) với trên 80 đơn vị sản xuất nấm và 3 mô hình sản xuất - kinh doanh (gồm hộ gia đình, công ty và các đơn vị nghiên cứu). Kết quả có 29 loại nấm ăn – nấm dược liệu đang được nuôi trồng và thương mại, trong đó, sản xuất giống nấm linh chi và bào ngư là chủ yếu (chiếm 77,5%), tiếp đến là mộc nhĩ (42,5%) và nấm rơm (40%). Về nguồn gốc, có 48,5% giống sản xuất được phân lập từ các sản phẩm thương mại trên thị trường và 52,5% giống sản xuất được mua từ các đơn vị nghiên cứu. Nguồn giống bản địa được phân lập từ tự nhiên khá thấp, chỉ chiếm 18,75%, còn lại đa phần các giống được nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Về phương pháp bảo quản giống, hiện nay chủ yếu bảo quản bằng phương pháp cấy chuyền và trữ trong tủ mát (thời gian 3 - 6 tháng), chỉ có 3,75% đơn vị bảo quản bằng tủ lạnh âm sâu. Điều này dẫn đến tình trạng các giống nấm rất nhanh thoái hóa. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, việc sản xuất còn thủ công, lạc hậu, kinh nghiệm kỹ thuật viên còn yếu, làm gia tăng tỷ lệ tạp nhiễm trong quá trình sản xuất. Trên 80% giống nấm có nguồn gốc không rõ ràng, đa phần đều là giống nhập khẩu, không phù hợp với điều kiện môi trường Việt Nam khiến cho sự sinh trưởng và phát triển của nấm không ổn định, khó kiểm soát, dễ nảy sinh dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi trồng.

Xuất phát từ thực tế này, Khu nông nghiệp công nghệ cao đã đưa ra định hướng nghiên cứu trong thời gian tới là: sưu tầm, bảo tồn nguồn gen các chủng loại nấm ăn, nấm dược liệu từ tự nhiên và trong sản xuất; lai tạo, chọn lọc các chủng giống nấm ăn mới cho năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng; nghiên cứu các phương pháp bảo quản bộ chủng giống; xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho các giống nấm ăn, nấm dược liệu.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao với Trung tâm Nghiên cứu Nấm - thuộc Đại học Malaya (Malaysia), Hiệp hội Kỹ thuật nông nghiệp Đông Nam Á, Viện Nấm và Công nghệ sinh học. Ngoài ra, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao còn giới thiệu Phòng thí nghiệm giống nấm vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời, các đại biểu còn được tham quan thực tế tại Công ty Nấm Trang Sinh - doanh nghiệp sản xuất nấm đang hoạt động trong Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

Ký kết hợp tác trong khuôn khổ Hội thảo

M.Hiếu

TT Khuyến nông TP.HCM