Hình thành mô hình xen canh “3 trong 1”

Trước đây, gia đình anh chị trồng chè trên diện tích 7.000m2 đất vườn, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Qua nhiều lần đi tập huấn do cán bộ khuyến nông tổ chức, đồng thời tham khảo qua các phương tiện thông tin đại chúng và kết hợp với kinh nghiệm từ thực tế trong sản xuất nông nghiệp, anh chị nhận thấy xen canh cây trồng là giải pháp hữu hiệu, vừa tận dụng được quỹ đất để quay vòng cây trồng nhanh vừa lấy thu nhập từ cây trồng ngắn ngày để duy trì cuộc sống gia đình và có nguồn vốn đầu tư chăm sóc cho cây trồng lâu năm.

Năm 2015, anh chị đã cải tạo san ủi và chuyển đổi toàn bộ diện tích 0,7 ha đất chè già cỗi sang mô hình thâm canh xen vụ. Để thuận lợi cho việc canh tác anh, chị chia đất ra làm 3 khu, trong đó anh, chị dành riêng một khu đất với diện tích gần 0,4 ha, có lợi thế hơn trong việc tưới, tiêu nước để thiết kế vườn cây “3 trong 1”. Anh chị chia luống đất rộng 4,7 m, tạo rãnh tưới và thoát nước tốt rồi chọn giống cam Vinh làm cây lâu năm chính, trồng so le với khoảng cây cách cây 5 m, hàng cách hàng 4,7 m. Tiếp đến giữa khoảng cách 2 cây cam trong hàng, anh trồng xen cây ổi (giống ổi lê Đài Loan) nhằm mục đích tăng thu nhập và xua đuổi rầy chổng cánh để hạn chế việc lây truyền bệnh vàng lá do vi rút cho cây cam. Với khoảng đất trống còn lại hai bên rãnh luống, anh tính toán chọn loại cây rau màu ngắn ngày phù hợp với điều kiện về không gian và thời vụ để trồng xen.

Chị Quý kiểm tra rau trước khi xuất vườn

Thu nhập từ mô hình

Trong năm 2017, gia đình anh bố trí giống và thời vụ rất cụ thể, từ tháng 2 đến tháng 4 trồng và thu hoạch vụ dưa lê; tháng 5 đến tháng 7 trồng và thu hoạch vụ bí đỏ; tháng 8 đến tháng 10 trồng cà chua và súp lơ; tháng 11 đến tháng 1 năm sau trồng và thu hoạch su hào, bắp cải vụ muộn. Với bốn vụ trồng cây rau màu xen canh/năm, đã cho gia đình anh thu nhập khoảng  trên 115 triệu đồng, cộng với khoảng 45 triệu đồng từ tiền bán quả ổi, tổng cộng cho thu nhập 160 triệu/năm/0,4 ha đất.

Anh Xuân trao đổi thêm, để có được 4 vụ trồng xen trên một diện tích thì ngay từ khâu thiết kế, cải tạo vườn trồng, mỗi hộ gia đình cần thiết kế đất sao cho phù hợp và thuận lợi cho việc canh tác; chọn loại giống cây trồng chính phù hợp với chất đất và điều kiện kinh tế gia đình; đồng thời bố trí cây trồng phụ để xen canh, gối vụ hợp lý, cây giống đều được gieo ươm trên khay bầu, sử dụng máy nông nghiệp cầm tay để đẩy nhanh khâu làm đất, chuẩn bị đủ phân chuồng ủ hoai mục thì mới kịp thời vụ. 

Anh Hán Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết, mô hình xen canh “3 trong 1” của gia đình anh chị Xuân, Quý đã khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội. Với cách làm này, diện tích đất được tận dụng tối đa, việc xen gối vụ vừa tăng thu nhập trên cùng 1 diện tích canh tác, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cải tạo đất của người dân, đây sẽ là mô hình để bà con nông dân học tập làm theo trong thời gian tới.

Với kết quả thực hiện mô hình xen canh cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao trên một đơn vị diện tích đất, anh Xuân được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào nông dân”; từ năm 2011 đến năm 2016 liên tục được Hội Nông dân tỉnh cấp chứng nhận “Đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi”. Mặc dù cho thu nhập tương đối cao từ việc áp dụng sản xuất mô hình “3 trong 1”, nhưng anh vẫn chưa hài lòng và mục tiêu của gia đình anh, chị trong những năm tới sẽ duy trì và tiếp tục đầu tư, chăm sóc cây trồng để đạt được thu nhập trung bình 100 nghìn đồng/m2 /tổng diện tích đất hiện có của gia đình./.

Nguyễn Mạnh Tường 

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang