Cây thoát nghèo trên núi

Nằm trọn trên đỉnh Khau Éc với độ cao trên 1000m, Tân Tiến là vùng đất xa, cao và vắng vẻ nhất của huyện Bảo Yên. Cách trung tâm huyện hơn 40 km, Tân Tiến có diện tích 5.983 ha, trong đó 175,7 ha là ruộng nước. Toàn xã có 357 hộ, 2.006 nhân khẩu, gồm ba dân tộc Mông, Tày, Dao... cùng đoàn kết sinh sống ở 13 thôn, bản. Trước đây, mỗi khi nghe kể hay nghĩ về vùng đất này với những tên bản, tên làng như Cán Chải I, Cán Chải II, Thác Xa, Nặm Phung, Nặm Chày, Nặm Hu, Nặm Dìn, Nặm Phầy… ai cũng thấy “rợn người” về một miền sơn thẳm xa xôi, đường đi khó, cuộc sống gian khổ triền miên.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các chương trình của 134, 135 đã giúp cho mảnh đất này hồi sinh sau nhiều năm dài khó khăn về mọi mặt. Đặc biệt, đồng bào Tân Tiến giàu nghị lực, chịu khó làm ăn nên khó khăn đến mấy cũng vượt qua. Trong hành trình vươn lên thoát nghèo của đồng bào Tân Tiến, cây thảo quả được coi là “người bạn” đồng hành với người dân nơi. Từ khi có sự hiện diện của cây thảo quả, cuộc sống nơi đây khấm khá lên nhiều.

Địa hình Tân Tiến đồi núi cao, bỏ hoang lâu năm nên đất khá màu mỡ. Khí hậu giáp vùng Bắc Hà nên trên núi khá mát mẻ. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đưa cây thảo quả về trồng thí điểm ở vùng đất này. Nếu như trước năm 2007, người dân Tân Tiến nghe đến cây thảo quả cảm thấy rất lạ và không nghĩ sẽ đưa giống dược liệu này về các bản. Nhưng từ năm 2007 trở đi, được sự đầu tư của tỉnh, của huyện và sự hướng dẫn về kỹ thuật của Trạm khuyến nông huyện Bảo Yên, UBND xã Tân Tiến đã quyết định nhận và đưa vào triển khai mô hình cây thảo quả trên đất núi với hy vọng đây sẽ là cơ hội để người nông dân có thêm thu nhập, sớm thoát nghèo.

Để mô hình được sớm đến với bà con nông dân, Trạm Khuyến nông huyện cùng với UBND xã Tân Tiến đã tổ chức hội thảo triển khai mô hình tại bản Thác Xa và các lớp tập huấn về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch thảo quả ngay tại trung tâm xã.

Hầu hết các diện tích đất núi trước đây của Tân Tiên bị bỏ hoang do tập quán canh tác lạc hậu hoặc do đất quá dốc, quá cao khó canh tác thì nay đều được người dân phát quang để trồng cây thảo quả. Trạm Khuyến nông huyện Bảo Yên đã hỗ trợ giống cho 16 ha thảo quả tại bản Cán Chải 1 - bản xa nhất của xã. Đồng thời, người dân tham gia dự án đều được hỗ trợ công, bao tiêu sản phẩm, tư vấn kỹ thuật và đều phải kí cam kết thực hiện đầy đủ các quy định như chăm sóc, việc trông coi gia súc và thú rừng…

Với đặc tính sinh học là ưa lạnh, ưa đất núi và dễ sống nên cây thảo quả đã nhanh chóng bén rễ đất núi Tân Tiến. Hiện nay, hơn 30 ha thảo quả đã xanh tốt và đang cho thu hoạch. Theo đánh giá, ước tính lượng thảo quả thu hoạch khoảng 30 tấn quả tươi. Với giá bán thảo quả trên thị trường hiện nay dao động từ 120.000 - 280.000 đồng/kg thì số tiền thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây thảo quả đối với người dân Tân Tiến không còn phải là giấc mơ nữa.

Cây thảo quả đã bén rễ và xanh tốt trên núi Khau Éc

Ông Hoàng Văn Pao - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến chia sẻ: Với đồng bào Tân Tiến thì thảo quả là cây sẽ giúp họ thoát nghèo. Thảo quả là dược liệu đang được thị trường ưa chuộng, vì thế, đồng bào vùng cao nơi đây sẽ rất thuận lợi đối với đầu ra của sản phẩm”.

Vất vả nghề trồng thảo quả

Thảo quả tuy là cây thoát nghèo của đồng bào vùng cao Tân Tiến nhưng để giống “vàng đỏ” này bén rễ những dải đất hoang trên đỉnh Khau Éc là việc không phải dễ dàng, không phải cứ nói là làm được hay ngày một, ngày hai đã là thành công. Quá trình đưa cây thảo quả lên núi của đồng bào nơi đây gặp không ít khó khăn và thấm đẫm những nhọc nhằn. Những hộ dân trồng thảo quả khi lên núi phát nương rẫy để ươm trồng không dám nghĩ đến ngày thu hái bởi sẽ không thể biết, loài cây này có ưa đất, ưa khí hậu và con người nơi đây hay không.

Những ngày đầu trồng thảo quả, chúng tôi không nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc nên rất khó khăn. Rất may được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nên ít nhiều đã trồng được thành công”, anh Hoàng Văn Trung, một hộ dân trồng thảo quả chia sẻ.

Khi thảo quả được trồng trên đất núi, tuy tỷ lệ mọc và phát triển luôn ở mức cao nhưng số diện tích bị hỏng, không mọc được cũng khá nhiều. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến điều đó như khí hậu thất thường, sự phá hoại của sâu bọ. Cây thảo quả phát triển tốt trong điều kiện nếu có bóng râm, có độ ẩm, ở độ cao 1.300 - 2.200 m, có khí hậu ẩm mát quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 13 - 15,3 độ C, thường xuyên có sương mù, lượng mưa 3.500 - 3.800 mm/năm, độ ẩm không khí trung bình từ 90%. Vì thời tiết ở Tân Tiến có thời điểm nắng nóng nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của diện tích cây thảo quả. 

Để cây thảo quả phát triển tốt, đúng thời vụ, công việc chăm sóc thảo quả của người dân Tân Tiến mất khá nhiều công. Việc quan trọng là khi cây đã vượt khỏi mặt đất, đồng bào phải thường xuyên phát quang những cây bụi, mọc lấn và bao phủ quanh gốc thảo quả. Sau ba năm, cây thảo quả bắt đầu ra hoa, mọc quả. Đây là giai đoạn người dân phải dày công để có được thành quả.

Công việc trồng và chăm sóc thảo quả trên núi cao hết sức vất vả

Những ngày thảo quả bắt đầu ra quả đến khi thu hái, chúng tôi phải dựng lán, dựng lều ngay tại nương rẫy trên núi cao để trông coi thảo quả”, anh Lý Văn Bình chia sẻ.

Những ngày thảo quả chín vào độ tháng 10, tháng 11, sắp cho thu hái, nhiều yếu tố tự nhiên sẽ ảnh hưởng xấu đến diện tích và năng suất của cây. Vì thế, việc trông coi thảo quả phải diễn ra cả ngày lẫn đêm. Các hộ trồng thảo quả phải ăn ở ngay tại lều nương để canh giữ. Những ngày đó, trời mưa nhiều, nương rừng ẩm ướt, muỗi vắt nhiều, điện không có, thiếu thốn mọi bề. Đến khi thu hái, công việc vận chuyển hàng tấn thảo quả xuống núi là công việc không dễ dàng gì. Con đường chuyển thảo quả chủ yếu là đường rừng, dốc núi cao sừng sững, trơn trượt.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng đồng bào Tân Tiến vẫn kiên trì và quyết tâm trồng thành công cây thảo quả. Bởi ai ai cũng xác định, giống “vàng đỏ” này không chỉ xóa đi những diện tích đất rừng hoang mà còn là cơ hội để họ thoát nghèo, để cuộc sống trên đỉnh Khau Éc sẽ bừng sáng.

Nguyễn Thế Lượng

Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ