Theo anh Nguyễn Thanh Tùng có nhiều năm kinh nghiệm trồng dưa gang cho biết: “Dưa gang bắt đầu xuống giống vào ngày 20 tháng giêng, với thời gian 60 ngày sẽ cho thu hoạch. Để dưa có năng suất cao, kỹ thuật trồng và chăm sóc rất quan trọng. Giống dưa được trồng chủ yếu là giống dưa gang địa phương được duy trì từ nhiều năm nay, giống dưa này dùng làm dưa muối ngon nên được thương lái ưa chuộng”.

Giống dưa gang địa phương dùng làm dưa muối rất ngon nên được thương lái ưa chuộng  

 

Về cách trồng và chăm sóc, anh cũng chia sẻ: Dưa gang được trồng chủ yếu bằng hạt. Ruộng lúa sau khi thu hoạch sẽ rải rơm ra phơi, sau đó đốt rơm, rồi tưới nước, tra hạt, trồng 03 hạt/gốc, mỗi hạt cách nhau 1cm và phủ một lớp tro rơm vừa đốt, mỗi gốc cách nhau 1m, 01 hàng trồng 10 gốc. Hàng ngày tưới nước 1 lần bằng thùng vòi sen đến khi đủ 1,5 tháng thì tưới bằng máy. Giữa các hàng dưa cần đào rãnh thoát nước. Lúc dưa ra trái phải bón phân định kỳ 7 ngày/lần với 12 kg phân DAP kết hợp urê, cả vụ cần 01 bao DAP và 01 bao urê/công (1 công 1.000 m2). Chú ý phòng ngừa bệnh chạy dây. Với cách làm như vậy, năng suất dưa đạt từ 3 tấn/công trở lên, giá thu mua tại ruộng 2.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 4 triệu đồng/công. Điều chúng tôi phấn khởi nhất là có bao tiêu đầu ra, cứ trồng là dự kiến có 3 đến 4 triệu đồng tiền lời/công rồi.”

Nông dân ấp Thanh Hưng xã Thanh Đức đang thu hoạch dưa gang

 

Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác thống nhất nên mô hình trồng dưa gang của các hộ nơi đây luôn đạt năng suất ngang nhau, với giá bao tiêu ổn định nên lợi nhuận mỗi công dưa đạt từ 3 - 4 triệu/công, nếu biết kỹ thuật muối dưa thì lợi nhuận cao hơn (từ 5 - 6 triệu/công chỉ sau 2 tháng trồng). Đây là mô hình ngắn ngày trên đất ruộng thích hợp cho địa phương áp dụng sản xuất 02 lúa 01 màu để tăng thêm thu nhập trên đơn vị canh tác. Đến nay ấp Thanh Hưng đã tạo được vùng nguyên liệu dưa gang và thành lập Câu lạc bộ Khuyến nông trồng dưa gang với 26 thành viên.

Thành Khải

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long