Đây là nơi từ trước đến nay thuộc về vùng “đất lành chim đậu”, nhưng biến đổi khí hậu không chừa nơi đâu, vùng đất này cũng đã bị ảnh hưởng trong những tháng đầu năm 2016 do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Dù không gây thiệt hại nặng bằng Vũng Liêm, Trà Ôn nhưng một số nơi ở 4 xã An Phước, Chánh An, Thị trấn Cái Nhum và Tân An Hội nước mặn đã làm thiệt hại nặng 2,2 ha màu và 1,2 ha cây ăn trái (sầu riêng).

Để ứng phó với biến đổi khí hậu – xâm nhập mặn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện mô hình “Tưới tiết kiệm hòa phân trên bưởi da xanh”. Mô hình nhằm giúp cho nông dân hạn chế được thiệt hại do nước mặn xâm nhập, tiết kiệm nguồn nước tưới để cung cấp cho cây trồng một khi xảy ra xâm nhập mặn làm nguồn nước ngọt trở nên khan hiếm.

Mô hình tưới tiết kiệm hòa phân được triển khai thực hiện năm 2017 gồm 7 hộ dân của huyện Mang Thít tham gia thực hiện. Hệ thống tưới tiết kiệm hòa phân được lắp đặt và đưa vào sử dụng từ 15/8 đến 31/8/2017. Thực hiện mô hình này, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Tân sử dụng ống tưới loại mềm nhằm tiết kiệm chi phí ban đầu để nông dân dễ ứng dụng vào thực tiễn.

Trong cuộc hội thảo đánh giá hiệu quả sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm hòa phân được tổ chức ngày 13/12/2017 tại điểm trình diễn của ông Trần Văn Lên thuộc ấp Phú Hòa, xã Nhơn Phú, đại diện Trạm Khuyến nông huyện Mang Thít đã báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện của 7 mô hình trình diễn. Trong đó, đánh giá cao nhất là sự theo dõi ghi chép cẩn thận của hai hộ thực hiện gồm anh Phan Lê Phi Vĩnh (ấp An Phước) và anh Lê Văn Khanh (ấp Mỹ An) đã nêu lên: ngoài việc tiết kiệm được trên 30% lượng nước so với tưới truyền thống thì mô hình tưới tiết kiệm hòa phân (diện tích 0,5 ha) còn nhiều lợi ích như:

+ Tiết kiệm chi phí điện đáng kể: 3,7 kWh/lần tưới, tương đương 6.600 đồng.

+ Công tưới nước: Nếu như tưới truyền thống (dùng mô-tơ bơm nước và kéo ống để tưới) thì thường là 3 ngày tưới 1 lần mất 4 giờ, tương đương 40 giờ/tháng, tiền công 20.000 đồng/giờm, tương đương 0,8 triệu đồng/tháng. Còn tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm thì ngày nào cũng tưới nhưng chỉ mất 0,5 giờ/lần tưới, tương đương 15 giờ/tháng hay 0,3 triệu đồng. Lúc tưới chỉ cần bật điện cho máy hoạt động, trong thời gian tưới lại có thể đi thăm nom chăm sóc vườn. Bên cạnh đó tưới tiết kiệm sẽ giúp lượng nước phân bố đều hơn ở các thời điểm, không thiếu và không thừa nước nên giúp tiết kiệm được lượng nước tưới, phù hợp với điều kiện khan hiếm nước khi phải dự trữ trong những lúc mặn xâm nhập.

+ Công bón phân: Một lần bón phân theo kiểu cũ phải mất 8 giờ cho 1 người bón, tương đương 160.000 đồng/người. Nếu bón phân theo hệ thống tưới tiết kiệm hòa phân thì 1 lần bón mất 2 giờ,  tương đương 40.000 đồng/người, giảm chi phí hơn 120.000 đồng/lần bón phân. Mặt khác, phân được hòa thành nước và tưới thì cây sẽ dễ hấp thu hơn, ít bị thất thoát do bốc hơi hay trực di xuống đất.

Trong hội thảo, với sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phòng Nông nghiệp huyện, Ủy ban Nhân dân xã, hơn 30 nông dân trong và ngoài mô hình đã thảo luận, mổ xẻ nhiều vấn đề xoay quanh hệ thống tưới tiết kiệm hòa phân.

Theo đó, các đại biểu đều cho rằng hệ thống tưới tiết kiệm hòa phần có ưu điểm: Chí phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với sử dụng ống nhựa PV, vận chuyển nhẹ, có thể di dời dễ dàng theo ý muốn; Hạn chế tổn thất nước do bốc hơi vì tia nước phun ngắn, không tạo nên dòng chảy mặt đất, không phá vỡ cấu trúc đất do giọt nước nhỏ; Tiết kiệm được lượng nước; Hạn chế được bệnh trên thân,lá, trái; Kết hợp được việc tưới nước với bón phân hóa học.

Tuy nhiên, bên cạnh đó hệ thống này cũng có nhược điểm như: Béc tưới dễ bị tắc nghẽn nếu nguồn nước tưới có nhiều tạp chất; Phải cẩn thận khi làm cỏ vì sử dụng những vật dụng bén (dao, kéo, lưới hái,…) có thể làm rách ống; Các đường ống hay hư hỏng, phá hoại do con người và côn trùng.

Hiện nay, dù mô hình “Tưới tiết kiệm hòa phân trên bưởi da xanh”  mới trình diễn hơn 3 tháng nhưng hiệu ứng của mô hình hết sức khả quan. Theo số liệu chưa đầy đủ mô hình đã được nhân rộng sang nhiều đối tượng cây trồng khác và nhiều địa bàn khác như: gần 5 ha tưới cho cây gấc ở Mang Thít, Long Hồ; 0,3 ha tưới cho ớt ở Trà Ôn; 0,6 ha tưới cho cây dừa ở Chánh Hội (Mang Thít); hơn 1 ha tưới cho cây bưởi da xanh, bưởi long ở Nhơn Phú, Hòa Tịnh (Mang Thít);…

Qua phân tích, đánh giá, các đại biểu thống nhất mô hình áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm hòa phân là một giải pháp kỹ thuật giúp nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí trong sản xuất, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và thiếu công lao động như hiện nay. Mặt khác, mô hình cũng rất phù hợp với điều kiện tài chính và sản xuất nhỏ lẻ ở địa phương. Vì vậy, mô hình cần được phát huy, nhân rộng hơn nữa nhằm giúp bà con nông dân sản xuất được hiệu quả./.

Văn Thành 

Trạm Khuyến nông Mang Thít, Vĩnh Long