Tại Việt Nam khoai tây được sử dụng như một lọai rau cao cấp và diện tích khoai tây cả nước tăng đột biến từ chỉ vài nghìn hecta lên trăm nghìn hecta vào năm 1979. Tuy nhiên, diện tích khoai tây giảm nhanh chóng trong những năm sau đó và được duy trì ổn định ở quy mô 30 - 35 nghìn ha trong vòng 20 năm qua. Với định hướng phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến  năm 2020 diện tích khoai tây đạt  50 nghìn ha thì nhu cầu nguồn giống cho sản xuất là khá cao. Nhưng hiện tại nguồn giống sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% cho sản xuất với giá thành khá cao (giá giống về đến Việt Nam khoảng 1.000 -1.100 USD/tấn).

Để nâng cao năng lực sản xuất khoai tây giống ở trong nước, giảm lượng khoai tây nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa Đà Lạt thực hiện dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ sản xuất khoai tây giống sạch bệnh”. Mục tiêu của dự án là trong 3 năm (2016-2018), xây dựng và chuyển giao 45 ha với mô hình sản xuất củ khoai tây giống nguyên chủng, năng suất củ đạt tiêu chuẩn giống nguyên chủng trung bình trên 16 tấn/ha; Xây dựng được 220 ha với 16 mô hình sản xuất củ giống khoai tây xác nhận, năng suất củ đạt tiêu chuẩn giống xác nhận trung bình trên 18 tấn/ha. Giá thành củ giống thấp hơn khoảng 15% so với nhập khẩu; Đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông viên cơ sở, nông dân về quy trình công nghệ sản xuất củ giống khoai tây các cấp.

Sau 3 năm thực hiện, dự án đã triển khai chuyển giao 45 ha mô hình sản xuất củ khoai tây giống nguyên chủng và 220 ha mô hình sản xuất củ giống khoai tây xác nhận tại các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai, Thái Bình, Hải Dương và Hải Phòng với nguồn giống từ nguồn củ khoai tây siêu nguyên chủng do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa sản xuất hàng năm từ cây giống khoai tây nuôi cấy mô tế bào.

Kết quả sản xuất giống khoai tây nguyên chủng: Đã xây dựng được 45 ha mô hình sản xuất khoai tây giống nguyên với các giống được sử dụng là Atlantic, PO3 và 07 (Ulanta), Solara, Marabel, Sinora. Kết quả cho thấy các giống khoai tây sinh trưởng và phát triển tốt, thân cây mập, lá xanh đậm, độ đồng đều của cây và độ che phủ giữa các luống ở thời gian 40-45 ngày sau trồng đạt 75-80% và ở giai đoạn 60 ngày sau trồng đạt 95-100%, ít bị nhiễm một số sâu bệnh hại. Năng suất trung bình của các hộ tham gia xây dựng mô hình sản xuất giống khoai tây nguyên chủng đạt 16,7 -18,5 tấn/ha, tăng 20-27% so với các giống khoai tây trồng ngoài mô hình. Riêng các mô hình triển khai tại Lâm Đồng đạt năng suất 21 tấn/ha (niên vụ 2018).

Thu hoạch khoai tây

Kết quả sản xuất giống khoai tây xác nhận: Đã xây dựng 220 ha mô hình sản xuất giống khoai tây xác nhận với các giống như PO3, 07 (Ulanta), Solara, Marabel. Kết quả cho thấy các giống khoai tây trên sinh trưởng phát triển tốt, độ che phủ ở giai đoạn 60 ngày sau trồng đạt 95-100%, ít bị nhiễm một số sâu bệnh hại chính. Năng suất bình quân của các mô hình đạt 18,5-21,6 tấn/ha, tăng 17,4 – 21% so với các giống khoai tây trồng ngoài mô hình tại địa phương với giá bán thành phẩm . Riêng các mô hình trồng tại Lâm Đồng đạt năng suất 23 tấn/ha (niên vụ 2018), cho doanh thu tăng từ 35 - 45 triệu đồng/ha so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Đặc biệt, chất lượng củ giống nguyên chủng và xác nhận của mô hình được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia tiến hành kiểm định trong suốt vụ trồng. Kết quả tất cả các lô giống đều đạt chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN8549:2011 về cấp giống nguyên chủng và xác nhận.

Giá khoai tây giống cấp xác nhận nhập khẩu hiện nay khoảng 20-22 triệu đồng/tấn (từ 1000 – 1100 USD/tấn). Giá khoai tây sản xuất trong nước có chất lượng tương đương dự kiến giá bán khoảng khoảng 17-18 triệu đồng/tấn, sẽ giảm được khoảng 30% so với giống nhập khẩu.

Bên cạnh đó,  Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa đã chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nhân rộng mô hình.

Ông Nguyễn Thế Nhuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa cho biết: “Việc triển khai xây dựng chuyển giao các mô hình sản xuất khoai tây trong thời gian qua đã tạo ra phương thức sản xuất mới, có tính liên kết cao giữa doanh nghiệp và người sản xuất sẽ tạo ra ngành sản xuất ổn định, bền vững, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Đặc biệt, người sản xuất khoai tây có cơ hội tiếp cận được nguồn giống khoai tây giá thành thấp, sạch bệnh để phục vụ cho sản xuất khoai tây thương phẩm chất lượng, hạn chế được sâu, bệnh hại, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác”.

Có thể nói, trong 3 năm triển khai thực hiện các mục tiêu của dự án đã được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo các nội dung, quy mô. Đặc biệt, kết quả năng suất trung bình của các mô hình đều đạt cao hơn mục tiêu đề ra. Với kết quả này sẽ là tiền đề vững chắc cho việc triển khai nhân rộng sản xuất khoai tây giống nguyên chủng và giống xác nhận tại các địa phương có sản xuất khoai tây khác trên toàn quốc.

Văn Phương

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng