Với 4 ha đất đồi hoang hóa lâu năm, nhận thấy cam chính là cây thế mạnh của địa phương nên năm 2000, ông đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 100 gốc cam sành. Sau gần 4 năm chăm sóc, những gốc cam đã cho những quả bói đầu tiên. Tuy nhiên, gia đình ông thâm canh cam theo kiểu truyền thống, bón phân, phun thuốc BVTV không theo một khung lịch nào cả, lượng phân bón cho 1 ha cũng không tính toán, việc chăm sóc, kỹ thuật phòng chống sâu bệnh đều do gia đình tự học hỏi. Do vậy năng suất, chất lượng cam thấp, hiệu quả kinh tế không cao, năng suất chỉ đạt gần 6 tạ/ha. Cộng với việc mẫu mã quả không đẹp nên giá bán thường bị tư thương ép giá.

Năm 2015, được biết huyện triển khai dự án trồng cam sành nên ông đã mạnh dạn tham gia với diện tích 2,4 ha. Tham gia dự án, ông được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật về trồng cam an toàn. Ông nhận thấy việc phát triển cây cam theo hướng an toàn không những năng suất cao hơn trước mà giá bán cũng cao hơn hẳn do gia đình ông được cấp Giấy chứng nhận an toàn cho vườn cam.

Ông Hưng chia sẻ: “Để phát triển được vườn cam theo đúng tiêu chuẩn, tôi luôn tuân thủ quy trình canh tác VietGAP, không dùng thuốc trừ cỏ, dùng máy để phát, bón phân định kỳ một cách hợp lý, chỉ phun thuốc cho cây sau khi thu hoạch vào mùa xuân để cây đón lộc, những giai đoạn khác tuyệt đối không phun. Cam sành ở đây cây cao, tán rộng, quả sai, bề mặt vỏ quả nhẵn, màu vàng sáng bóng, tép cam màu vàng, ngọt hậu, mọng nước, vị ngọt có mùi thơm đậm đà nên được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Đặc biệt, cuối năm 2015, khi xã thành lập HTX cam sành Lục Yên, được tuyên truyền, vận động nên gia đình ông đã mạnh dạn tham gia vào HTX. Từ khi tham gia HTX, các hộ trồng cam được tổ chức thành nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn, dần dần xây dựng thương hiệu cam đảm bảo chất lượng theo hướng VietGAP, mở rộng phát triển sản xuất theo quy mô tập trung.

Theo ông Hưng, từ khi tham gia vào HTX, ông được học tập kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc cây cam sành ở nhiều nơi trong tỉnh, được tham gia các lớp tập huấn kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên gần 2 năm trở lại đây, chất lượng, năng suất cây cam sành của gia đình đã cao hơn so với những năm trước. Qua đó, gia đình ông cũng yên tâm hơn về chất lượng cũng như đầu ra của sản phẩm. Chỉ riêng năm 2016, với 3 ha cam, gia đình ông thu về được gần 600 triệu đồng. Vào thời điểm thu hoạch rộ, gia đình phải thuê thêm 5 - 7 lao động, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con tại địa phương.

Để có được những thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh những kiến thức đã học được qua các lớp tập huấn, kinh nghiệm từ thực tế ông còn không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đi trước. Việc áp dụng quy trình canh tác theo VietGAP không những giúp người dân được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế từ trồng cam. Đặc biệt, đầu năm 2017, UBND huyện Lục Yên tổ chức Lễ công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” cho sản phẩm cam quả của huyện Lục Yên là tiền đề quan trọng để người dân huyện Lục Yên nói chung và người dân xã Khánh Hòa nói riêng phát triển vùng cây ăn quả có múi tại địa phương.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái