Với mục tiêu là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới tư duy, đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, huyện Yên Bình đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Minh chứng kết quả bước đầu thực hiện đề án này là Yên Bình đã xác định rõ hướng phát triển các loại cây, con chủ lực theo phương châm khai thác và phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương.

Qua thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện đã giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và tăng mạnh về thủy sản, nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà và ao hồ nhỏ. Giảm dần độc canh lúa, giảm mạnh diện tích sắn và tăng mạnh diện tích cây ăn quả (chủ yếu là cây ăn quả có múi), cây lâm nghiệp (cây quế, cây tre măng Bát độ), chăn nuôi để sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa và xuất khẩu có giá trị cao.

Trong 02 năm 2016 - 2017, huyện đã thực hiện hỗ trợ đóng mới 623 lồng nuôi cá; 36 cơ sở nuôi cá quây lưới trên eo ngách hồ Thác Bà với 158,8 ha; 113 cơ sở nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm hàng hóa; 01 mô hình nuôi bò thịt BBB quy mô 50 con; trồng mới 376,52 ha cây quế; trồng mới 237,05 ha cây ăn quả có múi (bưởi Đại Minh, bưởi diễn, cam V2, cam vinh). Ngoài việc thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh, huyện đã vận dụng, lồng ghép nguồn vốn chương trình nông thôn mới, chương trình 135 trồng được 114 ha cây ăn quả có múi. Bên cạnh đó, người dân tự túc các loại giống cây ăn quả có múi trồng được 104,5 ha cây ăn quả có múi, đưa tổng số diện tích cây ăn quả có múi 2 năm 2016 - 2017 trên toàn huyện đạt 455,55 ha.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng chè tại huyện Đại Minh

Nhờ vậy, kết thúc năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 (giá so sánh 2010) đạt 1.970 tỷ đồng, tăng 197 tỷ  đồng  so với năm 2015, Các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đều đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao, một số chỉ tiêu đạt cao như: Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm 27.390,7/26.545 tấn, đạt 103,2%  kế hoạch giao; tổng diện tích rừng trồng mới đạt 2.640/2.400 ha, đạt 110% kế hoạch và chủ yếu là trồng rừng vụ xuân; chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển không ngừng. Chăn nuôi thủy sản có bước phát triển mạnh mẽ, sản lượng khai thác thủy sản đạt 4550,9/4.500 tấn đạt 101,1 % kế hoạch.

Huyện đã xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Đại Minh”, đang xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gạo Bạch Hà” và xây dựng thương hiệu “Thủy sản hồ Thác Bà”. Có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Hán Đà, Đại Minh, Bạch Hà, Vĩnh Kiên, Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Mông Sơn); làng nghề đan rọ tôm xã Phúc An đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận. Đặc biệt, việc thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã nhận được sự đồng thuận cao đối với mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện.

Yên Bình là huyện nông nghiệp, do vậy, việc thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp là rất quan trọng. Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, chú trọng khuyến khích mạnh vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tập trung triển khai quy hoạch và phân vùng sản xuất theo lợi thế từng vùng và chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Xây dựng thêm nhiều các mô hình sản xuất an toàn, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường liên kết phát triển thị trường tiêu dùng trong nước như sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, rau an toàn, gia súc, gia cầm sạch, cây ăn quả đặc sản có múi.

Việc triển khai các Đề án, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành nông lâm nghiệp, thủy sản của huyện phát triển từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp nông thôn.

Nguyễn Hồng Phúc

Trạm Khuyến nông huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái