Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, xác định đây là chương trình lớn và người hưởng lợi đầu tiên chính là nhân dân, nên Đảng ủy, chính quyền đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người dân để chung sức thực hiện. Về phía xã đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn, tăng cường khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ và chú trọng phát triển các nghề mới, nhất là ưu tiên các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất bền vững.

Đáng chú ý, để có nguồn vốn phục vụ xây dựng NTM, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã tập trung huy động vốn trực tiếp từ cộng đồng dân cư (bao gồm cả tiền, hiện vật và công lao động). Đối với những nội dung Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp đóng góp để thực hiện thì địa phương luôn làm rõ, công khai minh bạch. Xã cũng ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng, sửa chữa những công trình trọng điểm, phục vụ nhu cầu sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục phát triển ổn định, đời sống của người dân được cải thiện và từng bước nâng cao.

Hơn 7 năm qua, cùng nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện, địa phương, với các nguồn huy động  khác, xã Cát Tường đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa xã và các công trình phúc lợi xã hội khác. Tổng kinh phí trên 81,3 tỷ đồng, trong đó, Trung ương hỗ trợ 39,2 tỷ đồng, tỉnh gần 3,5 tỷ đồng, huyện 3,7 tỷ đồng, ngân sách xã trên 25 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 7,4 tỷ đồng, doanh nghiệp ủng hộ trên 2 tỷ đồng, số còn lại là từ các nguồn lồng ghép khác.

Về phát triển sản xuất, xã đã vận động nông dân chuyển đổi mùa vụ gắn với luân canh cây trồng cạn, gồm đậu phụng (lạc) 195 ha, bắp (ngô) 40 ha, mì (sắn) 150 ha, ớt 10 ha, hành 10 ha. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai trên diện tích 220 ha, tập trung ở 3 thôn Phú Gia, Kiều đông và Xuân Quang, đưa ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Chăn nuôi phát triển theo hình thức trang trại, gia trại quy mô hộ gia đình, chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện qua các chương trình vỗ béo đàn bò, phát triển đàn bò lai, chú trọng tiêm phòng, giúp cho đàn gia súc, gia cầm của xã không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Phát huy lợi thế là địa phương có nhiều ngành nghề, trong đó được tỉnh công nhận 3 làng nghề truyền thống gồm: nghề làm nón ngựa, nghề nhang, bánh tráng. Địa phương đã dồn mọi nỗ lực cho việc phát triển các nghề truyền thống, nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. Toàn xã hiện có gần 1.000 hộ tham gia làm các ngành nghề truyền thống, chiếm gần 25% số hộ trong toàn xã, với khoảng 2.500 lao động tham gia, với mức thu nhập bình quân mỗi lao động 4 triệu đồng/tháng.

 

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan, thôn Phú Gia, xã Cát Tường, Phù Cát, đang hoàn tất công đoạn cuối chiếc nón Ngựa

 

Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 39 triệu đồng/năm, tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên là 91%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,88%. Công tác phổ cập giáo dục được quan tâm, với 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường và tỷ lệ đậu tốt nghiệp các cấp đạt từ 95-100%. Toàn xã có 8/8 thôn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 96% và có 85% người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch UBND xã Cát Tường, thời gian “về đích” không còn nhiều và hiện tại xã đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Bên cạnh đó, xã đang triển khai chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan môi trường và vận động mỗi gia đình có sọt đựng rác để giữ gìn vệ sinh môi trường. Với việc tập trung “chạy nước rút”, hy vọng Cát Tường sẽ được công nhận đạt chuẩn NTM toàn diện và bền vững trên tất cả các lĩnh vực vào cuối năm nay./.

Thế Hà